Tâm điểm
Phạm Trung Tuyến

Cần "mở đường" phân loại rác tại nhà

Ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó đưa ra mức xử phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt tại nhà, không sử dụng bao bì chứa rác.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 25/8. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên vì thời điểm từ khi ban hành đến lúc Nghị định có hiệu lực chỉ còn hơn một tháng. Nghĩa là chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ áp dụng quy định xử phạt nêu trên, trong khi tất cả các yếu tố nhằm đảm bảo tính khả thi của việc phân loại rác tại nguồn chưa được chuẩn bị. Có thể nhiều gia đình ở các đô thị đã có ý thức phân loại rác, với hai thùng rác ở nhà, song để việc phân loại rác trở thành thói quen của hàng triệu hộ dân và trở thành quy trình đảm bảo yêu cầu của việc phân loại rác tại nguồn cũng như việc thu gom, xử lý, thì một năm cũng còn khó chứ chưa nói tới một tháng. Đơn cử, người dân chưa được hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, vậy họ sẽ phân loại như thế nào, sử dụng bao bì chứa rác ra sao để không bị xử phạt?.

Băn khoăn của tôi và chắc chắn cũng là của nhiều người khác được giải đáp, khi đại diện Tổng cục Môi trường cho biết: Chưa tiến hành xử phạt từ ngày 25/8 theo quy định của Nghị định 45. Lộ trình để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024 để các cơ quan quản lý, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết.

Cần mở đường phân loại rác tại nhà - 1

Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại chất đống trong một xe rác ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Thế Hưng)

Với những lợi ích to lớn, việc phân loại rác tại nguồn là cần thiết và cần thực hiện sớm. Bên cạnh việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý…, việc phân loại rác tại nguồn còn giúp tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải thông qua tận dụng phế liệu tái chế và phân compost (phân hữu cơ) tự chế biến. Có lẽ bất cứ ai cũng đồng thuận với những lợi ích này. Tuy nhiên, giữa nhận thức và hành động là một quãng đường mà các cơ quan chức năng cần chuẩn bị để nó thông suốt. Không thể chỉ cho người dân nhận thức ra vấn đề, đích đến, mà không cần biết người dân có thể đi đến đích bằng cách nào.

Theo ông Kim In Wan, nguyên Thứ trưởng Môi trường Hàn Quốc, trước đây nước này cũng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về thu gom, xử lý rác, đặc biệt là việc chưa phân loại rác tại nguồn. Các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã nỗ lực truyền thông để hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, tạo điều kiện cho tái chế. Tuy nhiên, sau 4-5 năm thực hiện, việc truyền thông không thành công do người dân không có động lực, không được lợi ích gì từ việc này. Đến năm 1995, Hàn Quốc quyết định ban hành chính sách thu phí chất thải dựa trên khối lượng, trở thành nước đầu tiên áp dụng việc thu phí theo khối lượng ở phạm vi toàn quốc. Trước đó Nhật Bản cũng áp dụng nhưng chỉ ở một số thành phố. Phương thức thu phí được thực hiện thông qua việc bán túi thu gom, với giá tùy theo kích cỡ cụ thể của túi. Chính phủ quy định bắt buộc người dân xả thải trong túi này, riêng rác thải có thể tái chế được thì không cần thu gom vào túi. Giá của túi thu gom chiếm 40% tổng chi phí xử lý rác, nhà nước bù 60% còn lại; đến nay đã nâng lên được 60-70% tùy từng địa phương.

Thông tin trên cho thấy, với một nước phát triển và thu nhập cao như Hàn Quốc, việc phân loại rác tại nguồn không phải cứ ban hành quy định là xong, mà còn phải có những giải pháp đi kèm.

Trở lại với vấn đề của chúng ta, khi người dân nhận thức được lợi ích của phân loại rác tại nguồn rồi thì sao? Việc tiếp theo là hướng dẫn để các hộ gia đình, cá nhân đều hiểu rõ các định nghĩa về rác hữu cơ, vô cơ, rác thải rắn, rác thải tự phân hủy. Tất nhiên, trước khi nói đến xử phạt thì ngành môi trường cần trả lời câu hỏi "đã chuẩn bị như thế nào để phổ cập các khái niệm đó?".

Các vấn đề tiếp theo cần làm rõ là: Khi người dân muốn phân loại rác, họ có dễ dàng tiếp cận các nguồn cung thiết bị phân loại phù hợp không? Các quy định về mẫu mã thùng rác để giúp người dân dễ nhận biết đã phổ biến trên thị trường hay không? Quy trình thu gom rác tại các điểm dân cư đã vận hành phù hợp để việc phân loại rác của người dân dễ dàng tạo ra tác dụng tích cực hay chưa?.

Những yêu cầu đó trong thực tế không phải khó thực hiện, nhưng nó nên được đặt ra và trả lời một cách cặn kẽ, như một chương trình hành động, một kế hoạch thực hiện để đảm bảo Nghị định có tính khả thi.

Chính phủ có thể dễ dàng ban hành một Nghị định để làm căn cứ xử phạt các hành vi không phù hợp với mục tiêu đề ra. Song, nếu đi kèm Nghị định mà không có thông tư hướng dẫn thi hành việc xử phạt thì lực lượng chấp pháp sẽ gặp khó khăn trong thực thi. Nếu đi kèm các thông tư, Nghị định mà không có các kế hoạch thực hiện để tạo thuận lợi cho người dân chấp hành thì sẽ thúc đẩy người dân tìm cách đối phó, thậm chí gian dối để không bị xử phạt.

Phân loại rác tại nguồn là một mục tiêu tốt đẹp cho toàn thể xã hội, nhà nước và nhân dân cùng được hưởng lợi. Tôi tin rằng bất cứ người dân tử tế nào cũng mong muốn việc phân loại rác tại nguồn trở thành ý thức chung của xã hội, của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức. Vì thế, việc của những người làm chính sách là nỗ lực cung cấp cho người dân cơ hội làm người tử tế, bằng cách trình các dự thảo chính sách có tính khả thi, hoặc ít ra cũng có kế hoạch thực hiện để nó có thể trở nên khả thi.

Mục đích cuối cùng của Nghị định 45 cũng như của việc xử phạt hành chính là khiến người dân thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, chứ không phải hình thành những thói quen đối phó với luật pháp.

Luật pháp nên là công cụ mở đường cho ý thức, chứ không nên trở thành trạm thu phí cho quyền được làm sai.

Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!