30 điểm không đậu đại học, "quả bóng trách nhiệm" lớp trẻ tự đỡ lấy!

Bích Diệp

(Dân trí) - Vai trò cầm trịch của Bộ GD-ĐT ở đâu trong những tình huống trớ trêu: điểm tối đa vẫn trượt đại học? Hay là các trung tâm khảo thí muốn làm gì cũng được, kể cả với mục đích PR?...

30 điểm không đậu đại học, quả bóng trách nhiệm lớp trẻ tự đỡ lấy! - 1

Tuần vừa qua, khi hàng loạt trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2021, mạng xã hội xuất hiện một cơn bão chia sẻ về điểm đỗ đại học cao chót vót, tôi có lúc hoang mang tự hỏi: Nếu quay lại mấy chục năm trước cũng như hôm nay, phụ huynh chúng ta có qua được cửa ải này không?

"Đỗ đại học", trong một thời gian rất dài đã từng là niềm tự hào lớn lao với mỗi cá nhân cũng như với gia đình sĩ tử. Đỗ vào được một trường đại học danh tiếng xứng đáng để gia đình mổ lợn khao làng. Nhưng, ấy là chuyện của ngày xưa.

Nay, cơ hội học đại học đã trở nên rộng mở hơn với các bạn trẻ. Đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, với việc gần đây xuất hiện không ít trường hợp đạt mỗi môn 9 điểm hay tổng 3 môn 30 điểm cũng không đỗ đại học, quả thực khiến người lớn chúng ta sửng sốt và xót xa cho con em mình.

Ở kỳ tuyển sinh năm nay, có trường đưa ra mức điểm chuẩn lên tới 30,5 điểm. Với mức điểm trên, rõ ràng là không thể có chuyện thí sinh có điểm vượt khung đến 10 điểm rưỡi hay 11 điểm cho một môn thi nào đó được. Muốn trúng tuyển, ngoài việc thi đạt điểm cao thì thí sinh còn phải được cộng thêm điểm ưu tiên.

Điều này sẽ dẫn đến trường hợp, thí sinh có hoàn cảnh bình thường, sống ở thành phố kể cả thi 3 môn đều đạt 10 điểm cũng… trượt! Liệu có công bằng với các em không? Đề thi tốt nghiệp THPT với kỳ vọng "dùng 2 trong 1" để xét tuyển đại học, nhưng 30 điểm cũng không đỗ, vậy có phải điểm thi đang trở nên… vô nghĩa, như một trò đùa? Câu hỏi này tôi không trả lời được, xin dành cho lãnh đạo các trường đại học và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học đầu tiên dưới thời tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và tôi nghĩ, Bộ trưởng Sơn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá hiệu quả của đợt tuyển sinh năm 2021 này.

Được biết, bài thi THPT năm nay nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Thế nhưng dễ thì dễ chung, vậy phải chăng những trường đưa ra điểm chuẩn càng cao càng là trường "top"?

Nêu quan điểm về vấn đề này, theo PGS. Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đâu đó đã xuất hiện hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn - một số trường vì muốn điểm tuyển sinh phục vụ công tác truyền thông đã đặt điểm chuẩn rất cao. Hay nói thẳng ra, đẩy điểm chuẩn lên cũng là một cách PR thông minh cho nhà trường!? Trường được lợi, vậy quyền lợi thí sinh ở đâu? Ai bảo vệ các em?

Ông Tùng cho hay, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, nhưng rõ ràng các trường, đặc biệt các trường top trên - như Đại học Bách khoa Hà Nội - sẽ dần dần hạn chế sử dụng điểm của kỳ thi này trong xét tuyển, vì ý nghĩa thi tốt nghiệp đã làm giảm tính phân loại năng lực thí sinh.

Với tinh thần tự chủ đại học, mỗi trường có tính toán và cách tuyển sinh riêng của họ. Tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức xét tuyển, bên cạnh phương thức xét tuyển thẳng từ học bạ phổ thông, quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, IELTS... hay tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Tuy nhiên, nếu thi tốt nghiệp đã không còn vai trò quan trọng, không được các trường tin tưởng về mức độ phân loại năng lực thí sinh, vậy mục tiêu "2 trong 1" rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Vai trò cầm trịch của Bộ GD-ĐT ở đâu trong những tình huống trớ trêu: điểm tối đa vẫn trượt đại học? Hay là các trung tâm khảo thí muốn làm gì cũng được, kể cả với mục đích PR? Còn các em học sinh không còn cách nào khác sẽ phải tự chịu trách nhiệm, không liên quan đến vai trò của cơ quan chủ quản?!