1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Yêu cầu xử lý các dự án, công trình vi phạm về đất đai tại Thanh Hóa

Trần Lê

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xử lý khi có hơn 100 dự án, trên 500 ha còn vướng mắc, không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai.

Ngày 10/5, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai.

Theo báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này có 4 dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích đất gần 237 ha còn vướng mắc, chưa xử lý được; có 109 dự án, công trình với tổng diện tích đất gần 279 ha không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai; có 2 dự án, công trình với tổng diện tích hơn 36 ha có kết luận thanh tra, kiểm tra đến nay còn vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết để đưa đất vào sử dụng.

Yêu cầu xử lý các dự án, công trình vi phạm về đất đai tại Thanh Hóa - 1

Thống kê cho thấy, trên địa bàn Thanh Hóa có 109 dự án, công trình với tổng diện tích đất gần 279 ha không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai (Ảnh: T.T).

Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xử lý vi phạm đối với các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; lập hồ sơ xử lý nghiêm theo thẩm quyền và theo quy định đối với các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm hành lang đê điều, xây dựng sai mặt bằng quy hoạch...

Tiếp tục rà soát, báo cáo cụ thể danh sách các doanh nghiệp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng hoặc không đầu tư xây dựng các công trình của dự án để xây dựng kế hoạch và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện chặt chẽ hơn việc tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư…; nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn đầu tư, tái cơ cấu chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư; tham mưu xử lý các trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định, đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật đất đai về gia hạn tiến độ sử dụng đất.

Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Thanh tra tỉnh này lựa chọn, tổ chức thanh tra toàn diện đối với các dự án vi phạm có quy mô lớn, có tính chất phức tạp, nhạy cảm; kết luận rõ sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc rà soát trùng lắp, chồng chéo khi các ngành lựa chọn đưa các dự án có sử dụng đất vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm.

Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm. Kiên quyết tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi đất đối với các dự án có vi phạm, đủ điều kiện thu hồi theo quy định.

Đồng thời, chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, thực hiện kịp thời việc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao đất trên thực địa, tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện dự án…

Xác định vi phạm pháp luật đất đai đối với tổ chức, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa công khai các tổ chức trên Cổng thông tin điện tử theo quy định; gỡ bỏ thông tin công khai vi phạm pháp luật đất đai đối với các trường hợp đủ điều kiện; cung cấp thông tin để công khai trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.

Trước đó, theo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, tính đến ngày 6/3, địa phương này có tổng cộng 67 trường hợp đang vi phạm pháp luật đất đai phải đăng công khai và 8 trường hợp đăng công khai vi phạm pháp luật đất đai đã khắc phục xong vi phạm trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.