BĐS tuần qua:

Tỷ phú Vượng kể chuyện không chia lô bán nền, không làm ăn chụp giật

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Phát ngôn của ông Phạm Nhật Vượng, "sốt đất" ảo vùng ven, nhiều địa phương cảnh báo; thủ đoạn dùng sổ đỏ giả để lừa đảo qua giao dịch đất đai... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Ông Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi không làm dự án ảo, không chụp giật

Phiên họp cổ đông thường niên của Vingroup (mã chứng khoán: VIC) diễn ra ngày 1/5. Nhiều câu hỏi được các cổ đông đặt ra cho ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup. Ông Phạm Nhật Vượng đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý.

Cụ thể, có người đặt câu hỏi về động thái thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản của Chính phủ và lo ngại chính sách đất đai có thể thay đổi trong tương lai. Người đứng đầu HĐQT Vingroup cho rằng chính sách càng hoàn thiện thì những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp chân chính càng dễ làm, càng thuận lợi.

Tỷ phú Vượng kể chuyện không chia lô bán nền, không làm ăn chụp giật - 1

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho hay, chi phí về đất trong một căn nhà bất kể chung cư hay thấp tầng chỉ chiếm cao nhất là 30%, còn 70% là chi phí khác (Ảnh: IT).

"Vinhomes của chúng ta là một doanh nghiệp làm ăn rất đoàng hoàng, rất nghiêm túc, thượng tôn pháp luật. Vậy thì đấy là cơ hội không phải là thách thức. Chúng tôi không chia lô bán nền, không làm dự án ảo, không chụp giật, mà càng làm thì càng tạo ra giá trị", ông Vượng khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Vingroup, bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế, có 270 ngành nghề phụ trợ đi theo. Vì vậy, các cơ quan chức năng có thể hướng đến siết các dự án ảo và việc mua đất ở vùng sâu vùng xa, đất nông nghiệp để chờ giải phóng mặt bằng. Còn các dự án giải quyết nhu cầu của người ở thì không thể siết.

Cảnh báo thủ đoạn dùng sổ đỏ giả để lừa đảo qua giao dịch đất đai

Công an tỉnh Quảng Nam mới đây đã phát thông tin cảnh báo về tình trạng một số đối tượng dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nguyên nhân là đối tượng xấu thu thập thông tin qua mạng xã hội, các trung tâm giao dịch bất động sản hoặc đối tượng xấu lợi dụng việc tiếp xúc, giao dịch với người dân để sao chép lại sau đó làm giả. Bên cạnh đó, sổ đỏ giả có nội dung thông tin không có thật, khác với hồ sơ địa chính của cơ quan chức năng đang quản lý.

Tỷ phú Vượng kể chuyện không chia lô bán nền, không làm ăn chụp giật - 2

Công an tỉnh Quảng Nam cảnh báo thủ đoạn dùng sổ đỏ giả giao dịch đất đai để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Ảnh: IT).

Một số thủ đoạn dùng sổ đỏ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà Công an tỉnh Quảng Nam đã liệt kê như đối tượng xấu giả làm người mua đất để tiếp xúc với chủ đất để chụp hình sổ đỏ và giấy tờ tùy thân. Sau đó, làm giả sổ đỏ và thông qua nhiều đối tượng khác để thực hiện giao dịch rồi chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng xấu lợi dụng việc giao dịch, tách thửa, cầm cố sổ đỏ… của người dân và cấu kết với nhân viên phòng công chứng để làm giả giấy tờ liên quan để bán cho người khác thu tiền bất chính. Bên cạnh đó, đối tượng xấu móc nối với một số cán bộ nhà nước biến chất làm giả sổ đỏ và các giấy tờ khác để giao dịch hòng chiếm đoạt tài sản.

"Sốt đất" ảo vùng ven, nhiều địa phương cảnh báo

Mới đây, chính quyền TP Đà Nẵng phát đi cảnh báo về tình trạng tạo "sốt đất" ảo ở khu vực nông thôn để trục lợi bằng nhiều thủ đoạn. Đồng thời khuyến cáo người dân thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò để tránh những hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Tương tự, tại Quảng Nam, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng kịp thời phát hiện, tham mưu các biện pháp ngăn chặn, xử lý hiện tượng đầu cơ bất động theo quy định, không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án để công khai cho nhân dân biết, theo dõi, thực hiện giám sát; bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tỷ phú Vượng kể chuyện không chia lô bán nền, không làm ăn chụp giật - 3

Nhiều địa phương cảnh báo tình trạng "sốt đất" ảo (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Trước đó, hàng loạt địa phương như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa… cũng yêu cầu các ngành và chính quyền địa phương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản và tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu không giải quyết tách thửa cho đất nông nghiệp và kiểm soát việc chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Hiện tượng "lạ" quanh vụ giải cứu khối tài sản 30 tỷ USD đang "mắc kẹt" 

Theo HoREA, hiện nay có hiện tượng "lạ" là mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2022 rất cụ thể và hợp lý, nhưng mới đây vẫn có một số hội, hiệp hội tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để tiếp tục kiến nghị "giải cứu" bất động sản du lịch.

Theo đó, nhiều đề nghị đưa ra như cần phải định danh cho bất động sản du lịch hoặc gỡ nút thắt pháp lý để thị trường bất động sản du lịch phát triển hoặc cần tạo dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch.

HoREA cho biết, có cả đề nghị sớm giải quyết khối tài sản 30 tỷ USD đang "mắc kẹt" để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hoặc cần phải luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở; phải có các văn bản dưới luật về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bất động sản du lịch.

"Hiệp hội nhận thấy, tất cả các kiến nghị trên đây đều đã được xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, một mục tiêu trọng tâm của các cuộc tọa đàm, hội thảo này là kiến nghị "luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở", nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng cục bộ", HoREA nêu rõ trong văn bản gửi Bộ Xây dựng.

Yêu cầu xử lý các dự án, công trình vi phạm về đất đai tại Thanh Hóa

Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây ký văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai.

Theo báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này có 4 dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích đất gần 237 ha còn vướng mắc, chưa xử lý được; có 109 dự án, công trình với tổng diện tích đất gần 279 ha không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai; có 2 dự án, công trình với tổng diện tích hơn 36 ha có kết luận thanh tra, kiểm tra đến nay còn vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết để đưa đất vào sử dụng.

Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xử lý vi phạm đối với các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; lập hồ sơ xử lý nghiêm theo thẩm quyền và theo quy định đối với các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm hành lang đê điều, xây dựng sai mặt bằng quy hoạch...