"Siết" tín dụng vay mua nhà ở trên 3 tỷ đồng

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra Dự thảo Thông tư quy định các khoản cho vay của ngân hàng thương mại với các khách hàng vay mua nhà, mua đất có số tiền từ trên 3 tỷ đồng theo hệ số rủi ro lên đến 150%.

Cụ thể, hệ số rủi ro 150% áp dụng cho các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay.

Siết tín dụng vay mua nhà ở trên 3 tỷ đồng - 1

Động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước khi yêu cầu tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản trên 3 tỷ đồng là 150%

Các khoản phải đòi này cũng đáp ứng điều kiện là khoản cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh; cho vay cá nhân mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ; cho vay cá nhân mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, hệ số rủi ro 150% áp dụng cho khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên. Hệ số này cao gấp 3 lần so với quy định trước.

Thực tế, việc điều chỉnh hệ số rủi ro nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững thị trường bất động sản và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Việc tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng, vay mua nhà ở cao cấp trên 3 tỷ đồng cũng hạn chế dòng vốn cho vay tiêu dùng đổ vào kinh doanh bất động sản, giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu.

Trước đó cả Bộ Xây Dựng và Ngân hàng Nhà nước đều có ý kiến về việc kiểm soát tín dụng cho bất động sản cao cấp.

Bộ Xây Dựng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản.

NHNN cũng yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các NH thương mại đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, khu vực có hiện tượng sốt đất. Khi tình hình có biến động bất thường, các đơn vị chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo, đề xuất với thống đốc biện pháp xử lý. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng…

Trên thực tế, thời gian qua có hiện tượng ngân hàng núp bóng giải ngân vốn cho tiêu dùng ngắn hạn để phục vụ cho vay bất động sản trong cơ cấu vốn vay trung và dài hạn. Điều này khiến nguy nợ xấu, nợ khó đòi gia tăng và ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của các ngân hàng.

Động thái cuối năm 2018, các ngân hàng thương mại đã bắt buộc phải tăng lãi suất cho vay bất động sản thêm 1 - 2% để hạn chế lượng vốn đổ vào bất động sản nhiều hơn, dễ mất cân đối vốn.

An Linh