Hiện tượng "lạ" quanh vụ giải cứu khối tài sản 30 tỷ USD đang "mắc kẹt"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo HoREA, có hiện tượng "lạ" là mặc dù đã có Nghị định số 02 nhưng mới đây vẫn có một số hội, hiệp hội tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để kiến nghị "giải cứu" bất động sản du lịch.

Hiện tượng lạ quanh vụ giải cứu khối tài sản 30 tỷ USD đang mắc kẹt - 1

Theo HoREA, việc yêu cầu "luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở" không có tính logic và không phù hợp (Ảnh: IT).

Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - cho rằng nếu căn cứ các quy định pháp luật hiện hành thì Sở Tài nguyên Môi trường cấp tỉnh đã có thể thực hiện được thủ tục cấp "sổ hồng" cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch, cửa hàng du lịch (shophouse du lịch), căn hộ văn phòng… trong các dự án đầu tư xây dựng có chức năng lưu trú, du lịch.

Còn đối với các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ (quy định tại Điều 153 Luật Đất đai 2013) thuộc loại đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn theo thời hạn của dự án, tối đa không quá 50 năm và được xem xét gia hạn quyền sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu, theo quy định của pháp luật về đất đai.

Riêng trường hợp căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment) nằm trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp thì được áp dụng chế độ sử dụng đất ở (ổn định lâu dài) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 43/2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 01/2017. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HoREA, hiện nay có hiện tượng "lạ" là mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2022 rất cụ thể và hợp lý, nhưng mới đây vẫn có một số hội, hiệp hội tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để tiếp tục kiến nghị "giải cứu" bất động sản du lịch.

Theo đó, nhiều đề nghị đưa ra như cần phải định danh cho bất động sản du lịch hoặc gỡ nút thắt pháp lý để thị trường bất động sản du lịch phát triển hoặc cần tạo dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch.

Luật hóa "đất ở không hình thành đơn vị ở" là không phù hợp

Theo HoREA, có cả đề nghị sớm giải quyết khối tài sản 30 tỷ USD đang "mắc kẹt" để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hoặc cần phải luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở; phải có các văn bản dưới luật về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bất động sản du lịch.

"Hiệp hội nhận thấy, tất cả các kiến nghị trên đây đều đã được xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, một mục tiêu trọng tâm của các cuộc tọa đàm, hội thảo này là kiến nghị "luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở", nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng cục bộ", HoREA nêu rõ trong văn bản gửi Bộ Xây dựng.

Lãnh đạo HoREA cũng nêu thêm quan điểm, việc yêu cầu luật hóa "đất ở không hình thành đơn vị ở" không có tính logic và không phù hợp vì không có định hướng về các khu du lịch nghỉ dưỡng có loại đất ở không hình thành đơn vị ở.

Cũng theo Hiệp hội này, luật hóa "đất ở không hình thành đơn vị ở" không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, như khoản 1 Điều 125 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong trường hợp đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Bởi lẽ đã là "đất ở" thì phải đi liền với việc "hình thành đơn vị ở".

HoREA cũng cho biết, có một số địa phương tùy tiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch (condotel) trên đất ở không hình thành đơn vị ở. "Việc các địa phương tùy tiện đặt ra khái niệm đất ở không hình thành đơn vị đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kết luận là trái với các quy định của Luật Đất đai", Chủ tịch HoREA nêu.