Giá thép tăng chưa thấy điểm dừng, nhà thầu choáng váng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chuỗi tăng liên tiếp của giá thép chưa thấy điểm dừng. Một số doanh nghiệp xây dựng cho biết họ liên tiếp nhận thông báo điều chỉnh tăng giá, đến nay đã ở mốc 20.000 đồng/kg.

Giá thép tăng chưa thấy điểm dừng, nhà thầu choáng váng - 1

Giá thép tăng mạnh khiến doanh nghiệp xây dựng ngao ngán (Ảnh minh họa).

Thép đã vượt 20.000 đồng/kg

Giá thép tiếp tục tăng từng ngày và liên tục lập đỉnh mới khiến cho nhiều doanh nghiệp choáng váng, đặc biệt đối với giới xây dựng trong thời gian gần đây.

Nếu như ở thời điểm đầu năm 2020, giá thép xây dựng chỉ dao động ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg, đến đầu tháng 5/2021 vượt mốc 18.000 đồng/kg.

Điều đáng nói, chuỗi tăng liên tiếp này chưa thấy điểm dừng. Qua trao đổi, một số doanh nghiệp xây dựng cho biết đà tăng vẫn còn rất mạnh. Nhiều tuần, họ nhận thông báo điều chỉnh giá 2 lần, đến nay đã ở mốc 20.000 đồng/kg.

Lãnh đạo một công ty xây dựng ở Hà Nội nói với Dân trí: "Tôi vừa nhận thông báo điều chỉnh giá bán hàng từ phía công ty thép. Tăng nhanh kinh khủng, hơn cả cơn "sốt" vàng một thời".

Vị này vừa nói vừa đưa phóng viên xem văn bản thông báo tăng giá thép từ phía nhà cung ứng. Theo đó, kể từ ngày 12/5/2021, thép cây lại tiếp tục tăng 500.000 đồng/tấn, thép cuộn xây dựng cùng mức tăng tương tự.

Giá thép tăng chưa thấy điểm dừng, nhà thầu choáng váng - 2

Thông báo điều chỉnh giá thép khiến doanh nghiệp xây dựng ngao ngán.

"Covid-19 đã khó khăn thì chớ, nhưng giá nguyên vật liệu cứ tăng chóng mặt. Chúng tôi còn không dám nhận thầu, dù hết việc ngồi chơi. Bởi giá thép tăng không điểm dừng thế này, chúng tôi không thể kiểm soát được chi phí đầu vào. Nhỡ nhận xong nó cứ tăng phi mã thì gay to. Trong khi các công trình đã nhận thì è cổ ra bù, chấp nhận lỗ vì đã ký với giá cũ rồi", vị chủ thầu than thở.

Một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng khác cũng thông tin: Giá tất cả các loại thép đều báo tăng. Trong đó, thép Tisco Thái Nguyên là khoảng 19.500 - 20.500 đồng/kg. Thép Hòa Phát là khoảng 19.400 - 20.500 đồng/kg tùy loại…

Giá thép tăng chưa thấy điểm dừng, nhà thầu choáng váng - 3

Doanh nghiệp thép thông báo tăng giá.

Bao giờ dừng tăng?

Đó là câu hỏi được quan tâm nhất tại thị trường thép hiện tại. Lãnh đạo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021.

Nhưng hiện tại, theo lãnh đạo Hiệp hội thép, mọi thứ đang thay đổi. Nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác. Trong nước, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý I/2021 tăng khá cao so với những nhận định trước đó.

Trước diễn biến về tình hình giá, VSA đã có công văn số 27/2021 gửi các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, VSA khuyến nghị một số vấn đề như tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường; Đồng thời các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước…

Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để tổng hợp, báo cáo với cơ quan Nhà nước và truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước trong thời gian tới.

Trước khó khăn của ngành xây dựng, hôm 19/4 vừa qua, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tiếp tục có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân giá thép tăng đột biến.

Tại cuộc họp về điều hành giá những tháng cuối năm 2021 mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước và đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.