Bày sổ đỏ ra vỉa hè bán như... bán rau: Chuyên gia có ý kiến trái chiều

Nguyễn Văn Hải

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng bài "Bày hàng trăm sổ đỏ trên vỉa hè TPHCM, bán đất như... bán rau", một số chuyên gia bất động sản đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Khách nhờ bán lỗ tài sản để trả nợ ngân hàng

Từ 23/10 đến nay chỉ vỏn vẹn 3 tuần, anh Nguyễn Hữu Trí đã bán giúp các chủ đất được 20 thửa đất cho 8 người mua. Không chỉ các chủ đất nông nghiệp gửi bán, mà đất thổ cư, nhà ở, nhà trọ, nhà xưởng cũng đều có người gửi sổ nhờ anh bán giúp. Đặc điểm chung của những bất động sản này là chủ tài sản đang bị áp lực trả nợ quá lớn khiến họ chấp nhận bán lỗ để thoát nợ ngân hàng.

Bày sổ đỏ ra vỉa hè bán như... bán rau: Chuyên gia có ý kiến trái chiều - 1

Chỉ trong 3 tuần, anh Nguyễn Hữu Trí đã bán giúp các chủ đất được 20 thửa đất cho 8 người mua (Ảnh: Nguyễn Văn Hải).

Chị Hoa, sống tại quận 12 (TPHCM), đã vay ngân hàng để đầu tư vào đất và một số lĩnh vực khác, nhưng việc kinh doanh không thuận lợi trong khi lãi suất ngân hàng lại tăng. Chị Hoa lo lắng không trả nợ được sẽ bị ngân hàng xiết nợ nên muốn bán cắt lỗ chính căn nhà mà chị đang ở.

Mỗi tháng chị Hoa thông tin chị phải trả ngân hàng 149 triệu đồng. Nhưng đầu tháng 11 vừa qua, chị được thông báo lãi suất đã tăng thêm 1,5%, nên dự kiến từ tháng sau chị phải đóng trên 160 triệu đồng/tháng. "Lãi cứ tăng cao thế này mà làm ăn khó khăn, lạm phát tăng cao, hàng tháng cứ phải trả số tiền lớn như vậy rất áp lực. Tôi sợ năm sau lãi suất còn tăng cao nữa, khi ấy không trả được ngân hàng thì nguy", chị Hoa chia sẻ.

Chị Hoa có căn nhà chiều ngang 6m, dài 22m, mặt tiền đường Đông Hưng Thuận 5, quận 12, TPHCM. Nhà mới được xây năm 2019 với chi phí gần 2 tỷ đồng. "Những căn nhà như này lúc thị trường bình thường họ bán 13 tỷ đồng, nhưng giờ tôi cần tiền nên sẵn sàng bán 9 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng", chị nói.

Cùng cảnh bị áp lực trả nợ như chị Hoa, chị Gấm ở quận Bình Tân, TPHCM cũng mới gửi anh Trí bán gấp xưởng sản xuất với giá rẻ.

Chị Gấm cho biết, xưởng có chiều ngang 8m, dài 20m, tổng diện tích khoảng 158m2, hai mặt đường nhựa trước và sau... "Giá thị trường ít nhất cũng phải 15-16 tỷ đồng. Nhưng giờ khó khăn quá nên tôi chỉ bán có 12 tỷ đồng" - chị Gấm thở dài.

Anh Tuấn ở Long An cũng mới gửi anh Trí bán khu nhà trọ có tổng diện tích là 1.640m2, trong đó có 950m2 thổ cư, nằm giữa hai khu công nghiệp Tân Đức và Hải Sơn thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Anh Tuấn cho biết, anh đầu tư thua lỗ nên phải "bấm bụng" bán rẻ khu nhà trọ này để có khoản tiền lớn giải quyết nợ nần.

"Thật ra tôi không bán mà tặng luôn khu nhà trọ 78 phòng đang khai thác đều đặn mỗi tháng gần 100 triệu đồng. Tôi chỉ lấy tiền đất thôi chứ nhà trọ tôi tặng luôn người mua", anh Tuấn nói và cho biết muốn bán giá 20 tỷ đồng để giải quyết nợ nần. 

Năm 2021, anh Tuyển ở Phan Thiết mua một lô đất để dành cho con sau này. Lúc đó anh mua 900 triệu đồng cho lô đất có chiều ngang 5m, dài trên 30m, nở hậu, tổng 175m2 thổ cư, mặt tiền đường bê tông, cách đường nhựa 20m, pháp lý đầy đủ.

Anh vay ngân hàng 450 triệu đồng, trả cả gốc lãi hàng tháng hơn 10 triệu đồng. Thời gian gần đây, kinh tế khó khăn, anh Tuyển rất vất vả để xoay tiền trả ngân hàng nên chỉ mong bán lô đất được 700 triệu đồng để thoát nợ ngân hàng.

Bán sổ đỏ trên vỉa hè là sáng tạo đáng trân trọng?

Theo ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Hải Phát Homes, ngành nghề nào cũng có lúc lên lúc xuống. Bất động sản cũng vậy. Khi thị trường khó khăn, nhiều người đăng tin, chạy quảng cáo mấy tháng, tốn nhiều chi phí mà không bán được sản phẩm nào. 

Trường hợp môi giới trên đã phải đóng cửa sàn giao dịch bất động sản của mình để mang ra vỉa hè bày bán, tạo sự chú ý, cho thấy thị trường đang thật sự nhiều khó khăn. "Nếu cách bán hàng này đã giúp được hàng chục người mua và người bán có giao dịch thành công trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay thì đó là sự lao động sáng tạo đáng trân trọng", ông Duy bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, hành động bán sổ đỏ trên vỉa hè mang tính "trò chơi trên mạng" nhiều hơn là tính hành vi. Nếu mang tính hành vi thì chỉ chứng minh một điều là thị trường hiện tại đang rơi vào cảnh gần như tê liệt.

Theo ông Đính, những sản phẩm mà anh Nguyễn Hữu Trí bày bán trên vỉa hè phần lớn là đất nông nghiệp, gồm đất cây lâu năm và cây hàng năm, phù hợp cho các đối tượng khách hàng có tiền nhàn rỗi muốn mua để đầu cơ, chờ thị trường lên, có lãi là họ bán.

Tuy nhiên, ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Group - lại cho rằng, vụ việc bày bán sổ đỏ trên vỉa hè là hành động đơn lẻ, không phải xu hướng, trào lưu hay đại diện cho tình hình thị trường hiện nay.

Theo ông Thắng, cách bán hàng này gây tò mò, được quan tâm, được lan truyền trên cộng đồng mạng do sự mới lạ, không phổ biến. Tuy nhiên, nếu ai cũng bắt chước thì hiệu quả lan truyền chưa chắc đã đạt được như mục đích.

Ngoài ra, việc có thể bán được hàng hay không còn là ẩn số vì việc giao dịch bất động sản có giá trị từ vài trăm triệu đồng rất khác với việc mua một bó rau ngoài chợ. Người mua phải thẩm định pháp lý, đánh giá tiềm năng tăng giá, xác định giá thị trường… mới quyết định mua vì đây là tài sản lớn.