Vụ con trai 3 tuổi bị mẹ khai tử: Khai tử người đang sống bị xử lý ra sao?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo các luật sư, người mẹ làm thủ tục khai tử cho con trai 3 tuổi dù cháu bé vẫn còn sống có thể bị xử lý hành chính; cán bộ, công chức liên quan cũng phải chịu trách nhiệm trước việc làm tắc trách.

Mới đây, trên địa bàn phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xuất hiện vụ việc bà T.T.N.P đến phường Tân An làm thủ tục khai tử cho cháu N.H.L (SN 2019, con trai bà P.). Bà P. khai cháu L. mất vào lúc 18h30 ngày 4/5 và được phường Tân An cấp giấy khai tử cho cháu bé vào ngày 11/5.

Vụ con trai 3 tuổi bị mẹ khai tử: Khai tử người đang sống bị xử lý ra sao? - 1

Người mẹ đã bất ngờ đến UBND phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột) khai tử cho con trai 3 tuổi đang còn sống (Ảnh: Uy Nguyễn).

Đến tối 19/5, bất ngờ người bố của cháu L. đã đăng thông tin lên mạng xã hội facebook về việc cháu L. còn sống nhưng bị mẹ khai tử và cơ quan chức năng lập tức vào cuộc xác minh.

Ông Nguyễn Ngọc Nha - Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, người trực tiếp ký giấy khai tử - cho biết, cán bộ tham mưu của phường trình bày việc bà P. đến phường khai tử cho con trai và có mang theo các giấy tờ tùy thân liên quan. Tại phường, bà P. khóc lóc, mặt lộ rõ vẻ đau buồn và có ký cam kết những gì khai là đúng sự thật.

"Xác minh bà P. đi khai tử là cho chính con trai ruột và đang thời điểm đau buồn, tang gia bối rối nên cán bộ tham mưu đã sơ suất không cho trưởng khối xác nhận lại mà đã trình ký. Nếu nghi ngờ thì sẽ xác minh kỹ, còn đây chính là mẹ ruột khai tử con mình, ai ngờ đâu người mẹ lại đi làm những chuyện như vậy", ông Nha nói.

Xử lý hành chính đối với người mẹ?

Theo luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong vụ việc trên, bà T.T.N.P đã có hành vi gian dối trong việc 'khai tử' con trai mình.

Tuy nhiên, hành vi trên vẫn chưa phạm vào tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác nên người mẹ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có thể bị xử lý hành chính như phạt tiền.

Về xử lý hành chính, Khoản 2 Điều 30 BLDS 2015 quy định, người chết phải đăng ký khai tử. Theo đó, có thể hiểu việc đăng ký khai tử cho người còn sống là hành vi trái quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình nêu rõ, từ 1/9, cá nhân thực hiện hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống… bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.

Cũng theo LS Xuyến, cán bộ cấp giấy chứng tử đã chủ quan, chỉ căn cứ vào đơn khai báo của người mẹ mà thiếu bước kiểm tra xác minh thực tế.

"Nếu những người liên quan là công chức xã, phường thì họ sẽ phải buộc kiểm điểm theo Luật cán bộ, công chức. Đồng thời, căn cứ vào Luật cán bộ, công chức, tùy vào mức độ và hành vi vi phạm, những người này có thể bị xử lí như khiển trách, cảnh cáo, cách chức,… và cao nhất là buộc thôi việc", luật sư Xuyến cho biết.

LS Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LXS bổ sung ý kiến là trong vụ việc trên, cán bộ, công chức đã phạm vào các hành vi nghiêm cấm được quy định tại điều 12, Luật Hộ tịch năm 2014. Vì vậy, cán bộ, công chức ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý, kỷ luật theo Luật công chức, viên chức.