Từ vụ "rau VietGAP rởm", nghĩ về văn hóa tẩy chay!

Hải Hà

(Dân trí) - Khách hàng đến với siêu thị, họ bỏ tiền, bỏ niềm tin thì giá trị cũng như chất lượng sản phẩm nhận được cũng phải tương xứng. Người tiêu dùng có thể nói không với những thương hiệu không tốt.

Sau khi thông tin về rau sạch "dỏm" được gom mua ở chợ rồi dán nhãn VietGap của Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) được đưa vào hệ thống siêu thị WinMart thuộc WinCommerce, Tập đoàn Masan), gian hàng trên sàn thương mại điện tử Tiki, nhiều độc giả Dân trí đã bày tỏ sự bất bình trước việc quản lý lỏng lẻo làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đồng thời đề nghị khởi tố những doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Đơn vị nào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Bình luận về sự việc, độc giả Vũ Lập Hiến viết: "Cá nhân tôi nhận định Winmart có phần không chuyên nghiệp và chuẩn chỉ như Vinmart ngày trước. Ngày trước Vinmart không bao giờ có rau héo nằm trên kệ, rau bị héo là nhân viên cho vào sọt ngay... Kết luận: Mặt bằng chung thì Winmart vẫn ở phân cấp phục vụ chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn nhiều siêu thị khác, tuy nhiên có phần mai một so với trước. Những người tiêu dùng chấp nhận vào Winmmart (giá cao hơn) để mua hàng chất lượng thì đều là những người kỹ tính, do vậy mong Winmart ít nhất hãy giữ đúng tinh thần Vinmart ngày xưa, đừng để mất thương hiệu, mất khách thì quả là đáng tiếc!".

"Tôi nghe mãi bài quảng cáo "từ đâu, từ đâu, từ đâu..." trên tivi và cố tìm hiểu xem "rau sạch" của Winmart được Masan trồng ở đâu và như thế nào. Vào Winmart mua mớ rau ngót già, cứng, khô kiệt... lại bảo chắc vì sạch nên nó phải thế. Giờ cũng hiểu thêm được một chút, nhưng có sự lựa chọn nào khác đâu", độc giả Phan Chung.

Từ vụ rau VietGAP rởm, nghĩ về văn hóa tẩy chay! - 1

Khách hàng mua rau tại một siêu thị. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN).

"Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đâu rồi?", nhiều độc giả lên tiếng thắc mắc trước sự "im hơi, lặng tiếng" của đơn vị này.

Độc giả Độc Nam bày tỏ sự băn khoăn về chứng nhận VietGAP: "Phải chăng VietGAP được quản lý quá lỏng lẻo?, thử hỏi một năm Cục Trồng trọt đi thanh kiểm tra các cơ sở trồng VietGAP, các cơ quan cấp chứng nhận được mấy lần? tại sao VietGAP lại dễ dãi như vậy? Có ai đối chiếu sản lượng thực (ví dụ bao nhiêu tấn) sản phẩm VietGAP sản xuất ra tại trang trại và sản lượng VietGAP bán ra từ trang trại đó mà các siêu thị/cửa hàng thực phẩm mua vào? Có thể có một lỗ hổng không nhỏ từ việc này!".

Nhiều độc giả thắc mắc, về giải pháp thì chỉ toàn thấy siêu thị xử lý, yêu cầu nhà cung cấp bồi thường; nhưng không thấy siêu thị sẽ bồi thường như thế nào cho những khách hàng mua phải sản phẩm VietGAP giả. Vậy dưới góc độ pháp lý, ngoài đơn vị cung cấp sản phẩm, còn những tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?

"Khi các chế tài chưa đủ mạnh, tẩy chay là công cụ hữu ích của người tiêu dùng để các thương hiệu thay đổi hành vi"

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, sự việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng bị phanh phui thực phẩm giả danh VietGAP vừa qua là hết sức nhạy cảm. Nhiều người dân lo lắng về chất lượng sản phẩm khi họ phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị. 

Điều này cho thấy công tác quản lý chất lượng sản phẩm đang chưa được quan tâm đúng mức và đặc biệt là ở các siêu thị - nơi mà nhiều người dân yêu thích thực phẩm sạch lựa chọn. Bởi theo quy định chung của nhiều siêu thị, định kỳ đều phải đến kiểm tra, giám sát vùng trồng của đơn vị cung ứng, nông sản thực phẩm.

Có thể nói, nếu thực hiện theo các quy định trên, việc nông sản, thực phẩm kém chất lượng vào siêu thị là rất khó. Tuy nhiên cần chờ kết quả xét nghiệm, điều tra, xác minh của cơ quan chức năng để có căn cứ xử lý những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm.

Từ vụ rau VietGAP rởm, nghĩ về văn hóa tẩy chay! - 2

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Luật sư cho biết, căn cứ theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ thì: "Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.".

Như vậy, hành vi sử dụng nhãn mác của VietGap để gắn lên các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc sau đó cung cấp cho các chuỗi siêu thị là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là hành vi vi phạm quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP, tùy theo tính chất và mức độ mà các cá nhân tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp phạt số tiền thấp nhất là 1 triệu đồng; cao nhất là 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi này còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng và các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP và có thể bị phạt tiền lên tới 50 triệu đồng. Bên cạnh việc có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như quy định tại Điều 11 thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi còn có thể bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng.

Không những thế, các cá nhân, tổ chức có thể phải đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt trong tình huống nếu khách hàng mua phải sản phẩm kém chất lượng bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

Luật sư trao đổi thêm, rau xanh là thực phẩm được sử dụng hàng ngày, nếu như khâu quản lý không thực sự hiệu quả thì có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. Các hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải sẽ ngay tức khắc phát bệnh mà nó đang ngấm ngầm hình thành trong cơ thể con người, hủy hoại nhiều thế hệ.

Chính vì vậy, để hạn chế việc quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm cơ quan chức năng cần phải siết chặt việc quản lý, tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra và thậm chí là lập biên bản xử phạt nếu phát hiện hành vi sai phạm khi để hàng không rõ nguồn gốc tuồn vào các hệ thống siêu thị. Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức không giải quyết hoặc đưa ra phương án thỏa đáng thì cần phải có các biện pháp tẩy chay để bảo vệ quyền lợi của những người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các siêu thị cần nghiêm túc trong khâu kiểm tra chất lượng nguồn hàng cung cấp định kỳ, không thể nhắm mắt cho qua để hàng kém chất lượng được bày bán trên các kệ của siêu thị. Phải nghĩ rằng khách hàng đến với siêu thị, họ bỏ tiền, bỏ niềm tin thì giá trị cũng như chất lượng sản phẩm nhận được cũng phải tương xứng.