Từ vụ ly hôn của Bill Gates: Hợp đồng tiền hôn nhân quan trọng thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Do Bill Gates và vợ Melinda không có hợp đồng tiền hôn nhân nên theo luật tài sản của bang Washington, hầu hết tài sản có được sau khi kết hôn sẽ thuộc sở hữu chung và chia đều.

Khi bà Scott chính thức chia tay nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) Công ty Amazon vào tháng 4-2019, kết thúc cuộc hôn nhân 25 năm của họ, bà nhận 38 tỉ USD trong phần tài sản phân chia, trở thành người phụ nữ giàu thứ 4 thế giới. 

Bill Gates và vợ Melinda hôm 3/5 tuyên bố ly hôn sau 27 năm chung sống "sau rất nhiều suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng về mối quan hệ của mình, chúng tôi quyết định kết thúc cuộc hôn nhân", vợ chồng tỷ phú Bill Gates cho biết trong tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter của họ.

Đồng sáng lập Microsoft hiện là người giàu thứ 4 thế giới, với khối tài sản 146 tỷ USD, theo xếp hạng của Bloomberg. Hiện số tiền bà Melinda nhận được bao nhiêu sau ly hôn vẫn còn là một ẩn số  bởi theo hồ sơ gửi tòa án, hai người không có thỏa thuận tiền hôn nhân mà chỉ có một thỏa thuận ly thân. 

Từ vụ ly hôn của Bill Gates: Hợp đồng tiền hôn nhân quan trọng thế nào? - 1
Cặp đôi quyết định ly hôn sau hơn hai thập kỷ gắn bó trong hôn nhân.

Nhân vụ ly hôn đình đám này chúng ta có thể tìm hiểu rõ hơn về việc ly hôn và giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật Việt Nam, dưới góc nhìn của Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội):

Ly hôn thuận tình

 Có thể thấy nếu theo điều 55 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 của Việt Nam, việc ly hôn của vợ chồng Bill Gates được xác định là việc thuận tình ly hôn.

"Điều 55. Thuận tình ly hôn: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn".

Thuận tình ly hôn được hiểu rằng:

Về đương sự: Có sự đồng thuận thực sự yêu cầu ly hôn của cả vợ và chồng được ghi nhận thực tế bằng việc hai bên cùng ký tên trong đơn yêu cầu thuận tình ly hôn;

Về các thỏa thuận khác: hai bên vợ chồng thỏa thuận được và thỏa thuận đó là hợp pháp về chia tài sản, việc nuôi dưỡng con.

Về phía Tòa án: Tòa án xét thấy hai bên thực sự tự nguyện và các thỏa thuận về tài sản, con chung, nghĩa vụ tố tụng đã được thực hiện hợp pháp thì quyết việc ly hôn. Chỉ một sự không đồng thuận về con, tài sản, chi phí tố tụng thì việc ly hôn sẽ được chuyển thành vụ án ly hôn.

Ly hôn thuận tình là một việc làm chấm dứt hôn nhân êm đẹp, tích kiệm thời gian, chí phí tố tụng và ít gây tổn thương cho hai bên cũng như con cái.

Chia tài sản khi ly hôn khi có thỏa thuận chế độ tài sản riêng

Theo hồ sơ tòa án, vợ chồng tỷ phú Bill Gates không có thỏa thuận tiền hôn nhân và bà Melinda đề nghị tòa án giải quyết chấm dứt cuộc hôn nhân "không thể cứu vãn" của họ.

Do không có thỏa thuận tiền hôn nhân nên theo luật tài sản của bang Washington, hầu hết tài sản có được sau khi kết hôn sẽ thuộc sở hữu chung và được phân chia đều cho hai vợ chồng sau khi ly hôn.

Từ vụ ly hôn của Bill Gates: Hợp đồng tiền hôn nhân quan trọng thế nào? - 2
Cặp đôi kết hôn vào năm 1994, 7 năm sau khi gặp gỡ lần đầu.

Còn ở Việt Nam, trường hợp hai bên có thỏa thuận tài sản riêng và thỏa thuận về chế độ tài sản riêng đó không bị tuyên vô hiệu thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó.

Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 tại điều 47 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng: "Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn".

Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 tại điều 48 quy định về nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng: "1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

  1. a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
  2. b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  3. c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
  4. d) Nội dung khác có liên quan".

Nếu thỏa thuận bị tuyên vô hiệu, hoặc quy định không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định về chia tài sản khi ly hôn theo pháp luật.

Như vậy có thể thấy nếu khi kết hôn hai bên có thỏa thuận tài sản riêng cụ thể, hợp pháp, đầy đủ, rõ ràng thì khi những rủi ro hôn nhân xảy ra mọi chuyện sẽ được giải quyết hết sức thuận lợi cho các bên.

Chia tài sản khi ly hôn theo pháp luật.

Tranh chấp về tài sản khi ly hôn thường xảy ra khi hai bên vợ chồng không có thỏa thuận tài sản riêng khi kết hôn, trong thời kỳ hôn nhân không có thỏa thuận nào phân chia tài sản riêng. Hai bên đều duy tình theo suy nghĩ của chồng công vợ nên mọi tài sản dù hình thành từ bất cứ nguồn nào, có trước hôn nhân cũng được hòa cùng, trộn lẫn.

Tuy vậy mọi sự duy tình đó chỉ có giá trị khi hai bên còn tồn tại quan hệ tình cảm hôn nhân. Nhiều vụ việc tranh chấp tài sản đã không xảy ra khi hai bên có thỏa thuận tài sản rõ ràng và bên còn lại nhận thấy việc tranh chấp tài sản đã có thỏa thuận cụ thể, hợp pháp là không thể.

Khi chia tài sản ly hôn theo pháp luật là rất phức tạp.

Do vậy để bao quát tương đối đầy đủ các khía cạnh Luật hôn nhân gia đình năm 2014 đã đưa ra các Nguyên tắc cơ bản sau: Điều 59 nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

"2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

  1. a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  2. b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  3. c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  4. d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
  5. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
  6. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

  1. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình".

Dù nguyên tắc khi chia tài sản vợ chồng khi ly hôn là chia đôi nhưng cũng có những yếu tố sau cần xem xét để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia.

Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định:

"4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

  1. a) "Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng" là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
  2. b) "Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung" là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
  3. c) "Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập" là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.

  1. d) "Lỗi của mỗi bên trong vphạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng" là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên".

Ngoài ra Luật hôn nhân gia đình năm 2014 còn quy định các cách thức, tỷ lệ phân chia tùy từng trường hợp cụ thể về việc phân chia tài sản vợ chồng khi ly hôn như: Tài sản hình thành trước, trong thời kỳ hôn nhân; tài sản là động sản, tài sản là bất động sản, bất động sản là nơi ở duy nhất, tài sản là nguồn sống duy nhất, tài sản thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung….

Ta có thể thấy ngay độ phức tạp, rắc rối của việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo Pháp luật Việt Nam nếu giữa hai bên không có thỏa thuận tài sản riêng, không tự thỏa thuận phân chia được tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Như vậy việc lập thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng khi kết hôn là rất cần thiết. Trường hợp khi kết hôn chưa lập thỏa thuận này thì hai bên khi còn tồn tại quan hệ hôn nhân nên lập văn bản phân chia tài sản chung, riêng để tiện trong việc quản lý, đầu tư kinh doanh, định đoạt tài sản. Nếu ly hôn mà hai bên không có hai loại thỏa thuận trên thì cũng nên có sự tự thỏa thuận phân chia tài sản để tránh mất nhiều thời gian, chi phí.