Từ vụ 3 con gái đốt mẹ: Phân chia tài sản sao cho đúng pháp luật và hài hòa quyền lợi?

Hải Hà

(Dân trí) - "Nếu cha mẹ phân chia tài sản rõ ràng, có tình có lý sẽ giúp hạn chế những tranh chấp và hậu quả đau lòng, giúp duy trì quan hệ tình thân trong gia đình. Cách phân chia tài sản giúp đảm bảo điều ấy".

Vụ ba con gái đốt mẹ tại Hưng Yên có phần nguyên nhân do các người con gái nghĩ việc phân chia tài sản thừa kế không đồng đều. Qua vụ việc này, chúng ta cùng tìm hiểu các quy định pháp luật về phân chia thừa kế sao cho hợp tình, hợp lý, giảm thiểu các tranh chấp trong nội bộ gia đình.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, trước tiên cần thiết lập một số thông tin giả định như sau: i) Tài sản chung của hai vợ chồng gồm mảnh đất trong làng 90 m2 và mảnh đất ngoài đường 90 m2; ii) Giá đất mảnh ngoài đường 10 triệu/1 m2, mảnh đất trong làng 5 triệu/1 m2; iii) Ông bà nội đã mất trước người cha; iv) Người cha chết không có di chúc; v) Người mẹ nhường quyền thừa kế của mình và cho con trai toàn bộ tài sản của bà.

Từ vụ 3 con gái đốt mẹ: Phân chia tài sản sao cho đúng pháp luật và hài hòa quyền lợi? - 1

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc 3 con gái đốt mẹ vì vấn đề thừa kế (Ảnh: Dân Việt).

Cách phân chia thế nào là đúng pháp luật?

Trước tiên, cần xác định di sản thừa kế. Người chồng, người cha khi mất thì một nửa khối tài sản chung vợ chồng sẽ được mở thừa kế, chia theo pháp luật. Cụ thể di sản của người chồng, người cha mở thừa kế là 45 m2 mảnh đất trong làng và 45 m2 mảnh đất ngoài đường. Tính theo giá đất thì tổng giá trị di sản của người chồng, người cha là 675.000.000 đồng (45 m2 x 10 triệu/m + 45 m2 x 5 triệu/m).

Xác định người được hưởng thừa kế

Hàng thừa kế thứ nhất của người cha trong trường hợp này gồm 5 người: Vợ, bốn người con.

Cách phân chia

Mỗi người đều được hưởng phần bằng nhau, không phân biệt mẹ hay con, con trai hay con gái. Mỗi người sẽ được 9 m2 mảnh đất trong làng và 9 m2 mảnh đất ngoài đường. Tính theo giá đất thì tổng suất thừa kế mỗi người được hưởng là 135.000.000 đồng (9 m2 x 10 triệu/m + 9 m2 x 5 triệu/m).

Tuy nhiên cách chia như trên là chia bằng tiền còn để mỗi suất thừa kế hưởng bằng hiện vật là đất thì không thực hiện được do không đảm bảo diện tích tối thiếu để tách thửa đất cho từng người khai thác sử dụng được trên thực tế.

Cách chia của người mẹ trên thực tế đã đúng pháp luật và hài hòa quyền lợi giữa các con hay chưa?

Theo thông tin báo chí đăng tải thể hiện: Người mẹ chia cho con trai mảnh đất ngoài đường, ba người con gái mảnh đất trong làng.

Theo giá trị đất như trên ba người con gái mỗi người được hưởng một suất thừa kế trị giá 150.000.000 đồng (90 m2 x 5 triệu/m= 450 triệu: 3 người).

Đối chiếu với cách chia thừa kế tính theo giá trị bằng tiền, một suất người thừa kế được hưởng thì cách chia thực tế của người mẹ đã có lợi hơn cho ba người con gái khoảng 15 triệu đồng.

Người mẹ ở cùng con trai và cho người con trai phần di sản thừa kế hưởng từ chồng của mình 135.000.000 đồng và cả di sản phần quyền của bà trong khối tài sản chung 675.000.000 đồng (45 m2 x 10 triệu/m + 45 m2 x 5 triệu/m). Tổng giá trị anh con trai hưởng từ mẹ là 810.000.000 đồng. Anh con trai trên thực tế được hưởng tổng cộng 945.000.000 đồng (810 triệu + 135 triệu).

Qua diễn giải trên có thể thấy, nếu chỉ tính ở phần chia di sản thừa kế của người cha thì ba cô con gái đã được phần hơn. Còn nếu tính tổng toàn bộ tài sản của cha mẹ để lại cho các con thì người con trai được hưởng phần tài sản lớn hơn rất nhiều so với các cô con gái.

Cha mẹ có tài sản nên chủ động việc phân chia, để lại tài sản của mình trước khi mất để tránh những tranh chấp, hậu quả đáng tiếc

Cha mẹ sinh con ra, nuôi con khôn lớn đã là ơn nghĩa vô cùng lớn lao, không gì sánh nổi trên cuộc đời này. Phận con chẳng những không thấu được cái đức hiếu sinh ấy mà còn có hành động bội bạc, giết mẹ để đòi tài sản thì quả là đại bất hiếu. Khó có gì có biện minh cho hành động vô đạo của người con ấy.

Tuy vậy nếu cha mẹ đã phân chia tài sản rõ ràng, có tình có lý thì có thể sẽ giúp hạn chế phần nào những tranh chấp và hậu quả đau lòng. Cha mẹ khi về già nên xác định một trong những công việc quan trọng trước khi mất đó là bảo vệ, duy trì quan hệ tình thân trong gia đình. Cách phân chia tài sản giúp đảm bảo điều ấy.

Về nội dung phân chia

 Khi phân chia, trao truyền tài sản cha mẹ cần phải xác định cho đồng đều các con những phần bằng nhau, không phân biết con trai hay con gái, không vì yêu cho nhiều ghét cho ít hoặc không cho. Người con là hưởng nhiều hơn phải có căn cứ như do có đóng góp nhiều hơn, gánh vác nhiều nghĩa vụ họ hàng thì cho hưởng phần hơn để bù đắp, có kinh phí để thực hiện nghĩa vụ. Ai thiệt thòi, khó khăn vất vả hơn thì cho hưởng hơn để giảm bớt phần nào khó khăn.

Cha mẹ nên chủ động bàn bạc công khai với con cái việc phân chia, trao truyền tài sản khi còn sống. Khi đó cần giải thích rõ lý do chia hơn chia kém, tranh thủ sự đồng thuận của các con để đảm bảo sự phân chia di sản của mình sau khi mất được các con tôn trọng và thực hiện không gặp vướng mắc gì.

Các bên cũng nên tiến hành định giá phần di sản thừa kế. Ai nhận hết đất hoặc được hưởng giá trị đất cao hơn thì sẽ trả tiền cho người thừa kế không được hưởng đất hoặc được hưởng giá trị ít hơn. Cách giải quyết này sẽ đúng pháp luật, hài hòa được lợi ích giữa các bên.

Về hình thức phân chia

Ngoài việc làm tốt, chuẩn mực về nội dung thì các bậc cha mẹ cũng phải đảm bảo hình thức pháp lý của việc trao truyền tài sản. Các bậc cha mẹ rất cần tham khảo ý kiến của người có hiểu biết pháp luật để lựa chọn một hình thức cho tặng cho hoặc để lại di sản thừa kế cho phù hợp với tình trạng pháp lý tài sản của mình.

Gia đình hòa thuận, êm ấm, con cháu đùm bọc nhau, hiếu thuận với cha mẹ là phước đức cao dầy của gia đình, dòng họ. Muốn điều này được đảm bảo cha mẹ cần làm thật tốt, thật chuẩn mực việc để lại, trao truyền tài sản của mình cho thế hệ kế tiếp.