Trớ trêu cảnh người thắng kiện khốn khổ đi đòi công lý

Khả Vân

(Dân trí) - Gần 20 năm bị tái chiếm tài sản sau thi hành án khiến ông Quý, ông Tung rơi vào tình cảnh mịt mùng, khi không một cơ quan chức năng nào thụ lý, quyền lợi dường như bị bỏ mặc không ai bảo vệ.

Hiện nay để thi hành án (THA) bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan THA, người được THA phải tốn rất nhiều công sức. Bản thân người phải THA thì luôn có tâm lý phản đối đến cùng. Thậm chí, khi cơ quan THA giao tài sản là quyền sử dụng đất cho người được THA, cắm mốc giới thì chỉ vài giờ đồng hồ sau người phải THA đã dỡ bỏ mốc giới, thực hiện tái chiếm lại tài sản.

Sáng bàn giao, chiều chiếm lại

Ông Đào Văn Quý (Nghệ An) là một trong những trường hợp như vậy. Năm 2006, Chi cục THADS cưỡng chế giao đất (không có nhà) cho ông theo bản án của tòa.

Thế nhưng, chiều cùng ngày con của người bị THA chiếm lại, xây nhà ở. Ông Quý đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Ủy ban nhân dân xã mời hai bên đến hòa giải, nhưng người chiếm đất quyết không dỡ nhà trả lại đất cho ông. Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp gì buộc bên chiếm nhà giao đất cho ông.

Ông Quý không biết làm gì? Không lẽ khởi kiện tiếp?

Trớ trêu cảnh người thắng kiện khốn khổ đi đòi công lý - 1

Ảnh minh họa.

Cũng giống như ông Quý, ông Lê Văn Tung (Hưng Yên) cũng như ở cảnh con kiến leo cành đa, thắng kiện mà quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngày 24/7/2006, ông Lê Văn Tung được Chi cục THA huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên thực hiện việc THA theo Bản án số 16/DSST của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.

Sau khi giăng dây cắm mốc xong, người được THA, cơ quan chức năng về UBND xã thiết lập các văn bản hồ sơ, giấy tờ như Biên bản bàn giao đất thì gia đình bà Lê Thị Nhung nhổ toàn bộ cọc, dây giăng mốc giới mang trả ngay tại UBND xã.

Dù xảy ra việc người phải THA tái chiếm ngay khi chưa hoàn tất việc THA nhưng cơ quan THA vẫn thiết lập Biên bản bàn giao đất theo bản án. Nghiêm trọng hơn người phải THA còn tái chiếm lại diện tích khoảng 3,4 m2 ở giữa đất để xây nhà trên đó.

Sau đó kể từ năm 2006 đến nay đã gần 20 năm, ông Tung vác đơn cầu cứu các ban ngành từ xã đến Trung ương nhưng đều nhận được sự từ chối. Ông lâm vào tình thế được tuyên thắng trong bản án, được THA nhưng quyền lợi thực tế được quản lý đất không được đảm bảo. Thậm chí đến nay không một cơ quan chức năng nào thụ lý giải quyết, quyền lợi của ông dường như bị bỏ mặc không ai bảo vệ.

Thường sau khi sự việc xảy ra, những người như ông Quý, ông Tung sẽ đến gõ cửa các cơ quan chức năng và được trả lời như sau:

Theo một chấp hành viên thì tốt nhất là ngay sau khi bản án kết thúc, người được THA cần chủ động có biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Có thể xây tường bao, làm hàng rào, cho người trông coi… để kịp thời ngăn chặn việc tái chiếm ngay từ đầu. Nếu không, việc đi đòi quyền lợi không biết bao giờ mới chấm dứt.

Tại UBND, người được thi hành án sẽ nhận được hướng dẫn rằng đây là tranh chấp đất đai, UBND cấp xã chỉ có thể hòa giải và đề nghị liên hệ với tòa án hoặc UBND cấp huyện để giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền hoặc liên hệ với cơ quan thi hành án để được tiếp tục thi hành án.

Khi người dân gửi đơn đến Tòa án thì sẽ nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện với lý do vụ án đã được giải quyết bằng Bản án có hiệu lực pháp luật, tòa án không giải quyết lại quan hệ tranh chấp đã từng được giải quyết.

Tại cơ quan THA, người được THA sẽ nhận được trả lời Bản án đã được thi hành bởi Quyết định thi hành án, người dân đã nhận bàn giao đất nên cơ quan thi hành án không còn thẩm quyền.

Tại cơ quan công an, người được THA sẽ nhận được quyết định không khởi tố vụ án về hành vi không chấp hành án bởi lý do hành vi tái chiếm sau khi được THA không thuộc hành vi khách quan của tội danh này.

Những sự việc như của ông Quý, ông Tung đã được các cơ quan báo chí đăng tải từ những năm 2010, tuy nhiên đến nay sau hơn mười năm, tình trạng quyền lợi của người được thi hành án sau khi bị tái chiếm vẫn chưa có giải pháp cụ thể để bảo vệ.

Lúng túng khi xử lý

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Hiến Pháp năm 2013, tại điều 14 đã ghi nhận: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Với quy định này khi quyền, lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm thì phải có cơ quan thụ lý, giải quyết, bảo vệ quyền lợi của công dân.

Trớ trêu cảnh người thắng kiện khốn khổ đi đòi công lý - 2

Công trình xây dựng trái phép tại tỉnh Trà Vinh tồn tại cả chục năm qua. Bản án có hiệu lực từ năm 2018 nhưng đến nay công trình vẫn chưa bị tháo dỡ (Ảnh: Nguyễn Hành).

Với nền pháp chế xã hội chủ nghĩa được Nhà nước ta xây dựng như hiện nay, việc các cơ quan đều từ chối, không thụ lý, giải quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân là hành vi không thể chấp nhận được.

Luật sư Lực cho rằng, căn cứ theo quy định pháp luật hiện nay, đối với trường hợp tái chiếm tài sản sau khi thi hành án thì các trả lời của cơ quan Thi hành án, Tòa án, cơ quan công an là những trả lời phù hợp.

Với Tòa án, việc không thụ lý đơn khởi kiện là có căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: "Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Với cơ quan công an, việc xác định hành vi tái chiếm không có dấu hiệu tội phạm là đúng bởi điều 380 Bộ luật hình sự về Tội không chấp hành án quy định: "Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm".

Với trả lời của cơ quan thi hành án là có cơ sở bởi khoản 4, điều 13 Nghị định 62/2015/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thi hành án dân sự quy định cụ thể: "Tài sản đã được giao trên thực tế cho người được nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản. Người đã nhận tài sản có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản yêu cầu người chiếm lại tài sản trả lại tài sản cho họ. Nếu người chiếm lại tài sản không trả lại thì người đã nhận tài sản có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật."

Như vậy, với quy định trên đây có thể xác định hành vi tái chiếm của người phải thi hành án không còn thuộc về quan hệ tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay quan hệ thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án hoặc quan hệ hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an mà phải thuộc về thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp.

Việc tái chiếm được xác định là một quan hệ tranh chấp mới, tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước. Tranh chấp này được thụ lý, giải quyết theo quy trình hành chính, được thực hiện bởi cơ quan hành chính chứ không phải quy trình tư pháp được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng.

"Đến đây có thể xác định thẩm quyền giải quyết hành chính tái chiếm tài sản là quyền sử dụng đất sau khi đã được thi hành án thuộc về UBND các cấp", Luật sư Lực khẳng định.

Gỡ thế bí cho người dân và cơ quan chức năng

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu áp dụng trình tự cơ quan hành chính giải quyết yêu cầu của người được thi hành án bị tái chiếm quyền sử dụng đất như dưới đây, sẽ gỡ được bài toán khó cho cả cơ quan nhà nước lẫn người dân.

Trớ trêu cảnh người thắng kiện khốn khổ đi đòi công lý - 3

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị.

Theo đó, hành vi tái chiếm quyền sử dụng đất được xác định là hành vi lấn đất theo quy định tại khoản 1, điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về sử dụng phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. "Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép". Theo khoản 4, điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP xác định mức "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta".

Với số tiền phạt từ 10 triệu đồng thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện theo quy định tại khoản 2, điều 38, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

Như vậy thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn đất đối với trường hợp tái chiếm của người phải thi hành án thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.

Tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, khoản 7, điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, người có đất bị lấn chiếm. "Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này";

Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện sẽ được đảm bảo thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu người lấn, chiếm đất không tự nguyện thi hành.