Tận dụng gầm cầu cạn "gỡ" bế tắc thiếu chỗ đỗ xe?

Khả Vân

(Dân trí) - Trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị.

Vấn nạn đỗ xe bừa bãi: Cố tình vi phạm hay vì thiếu chỗ gửi xe?

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ năm 2017 thành phố mới có 91,16 ha đất dành cho đỗ xe, đáp ứng 8-10% nhu cầu trong khi số ô tô, xe máy tăng ngày một tăng mạnh.

Sau 10 năm mở rộng (2010-2020), nội thành Hà Nội phình to gấp 4 lần, trong khi tổng diện tích đất dành cho giao thông chỉ tăng 1,4% (từ 8,65% vào năm 2015 lên 10,05% vào năm 2020). Đường cho xe chạy đã thiếu gây ùn tắc giao thông, 90% xe cộ không có bãi đỗ, chiếm lòng đường vỉa hè làm cho ùn tắc ngày càng trầm trọng.

Tận dụng gầm cầu cạn gỡ bế tắc thiếu chỗ đỗ xe? - 1
Tận dụng gầm cầu cạn gỡ bế tắc thiếu chỗ đỗ xe? - 2

Tình trạng ô tô đỗ tràn lan 2 bên đường tại nhiều khu dân cư khiến ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng đã thường xuyên ra quân dán thông báo phạt nguội trên kính ô tô vi phạm lỗi dừng, đỗ trái quy định. Dù lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Nhưng mạnh tay với vấn nạn đậu xe bừa bãi thì cũng cần nhìn vào thực tế là người đi ô tô có chỗ đỗ xe, gửi xe hay không?

Ngoài các bãi xe trong sân, dưới hầm thì Hà Nội đã tận dụng các vỉa hè lòng đường cấp phép đỗ xe cũng chỉ đáp ứng 15%, còn lại 85% xe đỗ tự phát trên vỉa hè lòng đường, sân cơ quan, bệnh viện, không gian công cộng… Thực trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách công mà còn phơi ra sự yếu kém trong quản lý nhà đất công, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Bình luận về vấn đề này, bạn đọc Quốc Tuấn cho rằng: "Hà Nội có chủ trương khuyến khích tư nhân mở các điểm đỗ xe, nhưng điều này không thực tế bởi việc khan hiếm chỗ đỗ thường xảy ra nơi nội đô. Thế nhưng trong nội thành những người có đất rộng đủ để làm bãi đỗ xe thì chẳng bao giờ họ làm bãi cả, chỉ những khu đất đắp chiếu để đấy vì vướng mắc hoặc chủ đất chưa có ý định xây dựng họ mới làm bãi. Bao nhiêu năm nay quỹ đất dành cho việc đỗ xe, trông xe làm gì có".

Bạn đọc Nguyễn Thanh Giang "bắt bệnh" tình trạng quản lý, khai thác bãi đỗ xe ở Hà Nội: "Hiện tại, trên rất nhiều con đường, tuyến phố tổ chức bãi xe đỗ chiếm dụng lòng, lề đường ảnh hưởng giao thông. Có những phố nhỏ xe đỗ bên lề đường suốt chiều dài phố chiếm 1/3 lòng đường, xe đi 2 chiều tránh nhau không còn chỗ, chưa kể vỉa hè hàng quán chiếm chỗ, chưa nói đến các xe đỗ ở đây phần nhiều là đỗ suốt thời gian chứ không phải dừng đỗ tạm rồi đi. Việc dùng lòng đường làm chỗ đỗ xe tĩnh là lãng phí vì chắc chi phí làm đường cao hơn bãi đỗ.

Thứ hai, nhiều tuyến vỉa hè bị chiếm 100% làm chỗ đỗ xe vừa không có chỗ đi bộ vừa mất vệ sinh. Thứ ba, phí đỗ xe hầu như không quản lý được trong khi đây sẽ là khoản thu không nhỏ cho ngân sách địa phương, mặt khác cách tính phí không hợp lý: Cần tăng cao phí đỗ xe dọc đường phố đối với các xe đỗ lâu trên một tiếng để tránh biến phố thành bãi đỗ xe riêng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thu phí đỗ xe bằng vé bán sẵn như vé xổ số để tránh thất thu ngân sách nhà nước".

Thiếu chỗ đỗ xe nên xe đỗ tràn lan ra đường cũng là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe, từ đó cơ quan chức năng lại đề xuất xây thêm, mở rộng nhiều tuyến đường. Bạn đọc Thanh Tâm chỉ ra bài học thực tế ở một số quốc gia rằng, càng xây thêm đường càng kẹt xe bởi: "Các thành phố lớn như Rome, Paris, Los Angeles, Tokyo, New York, San Francisco,... đều không mở rộng hay xây thêm đường trong nội đô.

Lý do là càng xây thêm thì càng thêm người đi, lại càng kẹt xe. Cách của họ là tăng thuế, tăng giá gửi xe, cấm đậu xe, và cuối cùng bỏ liều cho người dân tự bơi trong dòng xe kẹt cứng, lúc đó người dân phải chọn lựa, một là dọn nhà đi, hai là bỏ xe ở nhà đi bộ hay dùng phương tiện giao thông công cộng. Rõ ràng sự thay đổi thói quen lái xe (một cách không tự nguyện) đã làm thay đổi bộ mặt của các TP lớn trong thời gian gần đây".

Dùng gầm cầu vượt "gỡ" bế tắc thiếu chỗ đỗ xe?

Trước thực trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe nội đô tại nhiều TP lớn, trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Việc cho phép sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe quy định trong Luật sẽ tạo khung pháp lý cho các thành phố thực hiện.

Tận dụng gầm cầu cạn gỡ bế tắc thiếu chỗ đỗ xe? - 3

Việc cho phép sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe quy định trong Luật sẽ tạo khung pháp lý cho các thành phố thực hiện (Ảnh minh họa).

Thực tế việc này đã được triển khai khi năm 2020, UBND TP. Hà Nội chấp thuận phương án của Sở GTVT sử dụng tạm khu vực 4 gầm cầu làm nơi trông giữ phương tiện trên địa bàn TP gồm: Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch và Vĩnh Tuy để tổ chức trông giữ phương tiện tạm thời.

Việc tận dụng gầm cầu vượt cạn làm bãi đỗ xe được nhiều người đánh giá là phù hợp bởi nhu cầu của người dân là rất lớn trong khi trên địa bàn thủ đô có hàng trăm gầm cầu đang để không, rất lãng phí. Một số khu vực gầm cầu còn đang bị rác thải bủa vây, mất an ninh trật tự, trong khi nhu cầu đỗ xe ở Hà Nội còn thiếu trầm trọng, bãi xe tĩnh chưa được đầu tư.

Cũng có ý kiến cho là trông giữ xe tại gầm các cầu vượt cạn tiềm ẩn nhiều hệ lụy về việc mất an toàn giao thông, cháy nổ, hành lang bảo vệ cầu: "Tôi cho rằng, gầm cầu vượt cạn là nơi cần được bảo vệ cho công trình và nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì hậu quả sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến kết cấu, công trình hàng trăm tỷ đồng. Hơn thế nữa, việc những bãi trông giữ xe này nằm giữa 2 làn đường nơi các phương tiện lưu thông nên khi các xe ra/vào bãi sẽ gây ảnh hưởng đến tình trạng giao thông, đặc biệt những thời gian cao điểm sẽ gây xung đột giao thông", bạn đọc Hải Trang viết.

Để khắc phục vấn đề này, theo quan điểm của bạn đọc Minh Sơn thì các đơn vị chức năng liên quan cần ban hành một bộ quy định riêng về PCCC, an toàn kỹ thuật đối với các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Bộ quy định này cần được liên ngành thẩm tra kỹ lưỡng chặt chẽ, cả trong quá trình xây dựng lẫn áp dụng ngoài thực tế bởi khi gầm cầu cạn được phép đỗ xe sẽ giải quyết phần nào nhu cầu của người dân tại các thành phố lớn, giảm được ùn tắc và giảm áp lực giao thông.