Bài 26:

Sông Cầu đang "giãy chết": Tỉnh Bắc Giang "chỉ mặt" thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ!

Anh Thế

(Dân trí) - UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý nghiêm vi phạm đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống.

Yêu cầu xử nghiêm đối tượng tham gia "bức tử" sông Cầu

UBND tỉnh Bắc Giang có Công văn số 514/UBND-MT do Phó chủ tịch Lê Ô Pích ký gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị chỉ đạo, kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại địa phận tỉnh Bắc Giang.

Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 1
Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 2

UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý nghiêm vi phạm đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống.

Công văn cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) qua cống tiêu Đặng Xá tái diễn trở lại trong khoảng thời gian từ ngày 20/1 đến ngày 31/1/2010, đặc biệt xả nhiều lần vào ban đêm; Ngoài ra có hiện tượng xả nước thải từ trạm bơm Vạn An, phường Vạn An (TP Bắc Ninh) do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống quản lý trực tiếp ra sông Cầu về phía hạ lưu gây ra ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân tại địa bàn các xã Vân Hà, Tiên Sơn, Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Cụ thể, nước sông Cầu khu vực này có màu đen sẫm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, cá chết nổi trên mặt nước.

Công văn chỉ rõ, theo phản ánh của người dân phường Vạn An, tình trạng xả thải này diễn ra vào các ngày đầu tháng 2/2021.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết tỉnh này đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bắc Ninh có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm sông Cầu và xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng tình hình vẫn không được ngăn chặn kịp thời.

Vì vậy, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đề nghị Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Ninh quan tâm, chỉ đạo, có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Cầu, xử lý nghiêm vi phạm đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống và các tổ chức, các nhân liên quan do hoạt động xả nước thải không đúng quy định pháp luật.

"Giao Sở TN&MT chủ động kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của cơ quan báo chí và nhân dân để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đề nghị các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Bắc Ninh có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để tình trạng xả thải trái phép gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang", Công văn nêu.

Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 3
Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 4

Dòng sông Cầu thơ mộng trở nên đen kịt, hôi thối, cá chết trắng.

Bộ TN&MT đã từng "điểm mặt" các thủ phạm khiến sông Cầu "giãy chết"

Báo Dân trí đã có hơn 20 kỳ báo phản ánh tình trạng sông Cầu đang "giãy chết". Theo ghi nhận của PV Dân trí, cụm công nghiệp Phú Lâm tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) với cả chục doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giấy xả thẳng trực tiếp xuống dòng Ngũ Huyện Khê chính là một trong những "thủ phạm" khiến sông Cầu "giãy chết" bởi nạn ô nhiễm kinh hoàng.

Cách đây 5 năm, ngày 04/5/2016 Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 1555/BTNMT-TCMT gửi UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Đoàn công tác chỉ ra nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu tại đoạn giáp ranh giữa Bắc Giang và Bắc Ninh, đặc biệt vào mùa khô là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê đã bị ô nhiễm chảy vào. Sông Ngũ Huyện Khê là nơi tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất không được xử lý xả thải thẳng ra sông làm nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nước thải của các cơ sở sản xuất giấy thuộc làng nghề tái chế giấy xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, TP.Bắc Ninh, CCN Phong Khê 1, CCN Phòng Khê 2 và CCN Phú Lâm. Ngoài ra, chất thải rắn của làng nghề và các CCN này cũng không được xử lý, đổ bừa bãi trên mặt đê sông Ngũ Huyện Khê làm ách tắc dòng chảy và ô nhiễm nước sông.

Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã lấy một số mẫu nước mặt quan trắc 16 thông số, kết quả các mẫu đều có thông số vượt ngưỡng.

Cụ thể, mẫu 1 lấy nước mặt sông Cầu tại chân cầu Đáp Cầu cũ về phía Bắc tỉnh Bắc Giang, có kết quả quan trắc các thông số BOD5, COD, Coliform Amoni vượt từ gần 1,3 đến hơn 11,58 lần.

Kết quả quan trắc mẫu 2 lấy nước mặt sông Cầu cách cầu Đáp Cầu cũ 300 m hướng về phía tỉnh Bắc Giang cho thấy, các thông số BOD5, COD, Amoni vượt từ 1,73 đến 7,38 lần so với quy chuẩn.

Mẫu 3 lấy nước mặt sông Cầu tại chân cầu Đáp Cầu cũ hướng về phía tỉnh Bắc Ninh cho thấy thông số BOD5, COD, Amoni vượt từ 1,13 đến 9,42 lần ngưỡng cho phép. Tương tự mẫu số 4 và số 5 cũng có một số thông số vượt ngưỡng.

Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 5
Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 6

Cụm công nghiệp Phú Lâm, một trong những thủ phạm "bức tử" sông Cầu.

Mới đây nhất, ngay những ngày đầu năm 2021, hàng loạt người dân ven sông đã phải khẩn thiết kêu cứu.

Báo Dân trí cũng đã nhận được hàng loạt cuộc điện thoại qua đường dây nóng và email tòa soạn bày tỏ sự phẫn nộ trước tình trạng "bức tử" sông Cầu trắng trợn và sự lo lắng cấp bách về tình hình an nguy sức khỏe của hàng chục vạn người dân ven sông Cầu đang bị đầu độc chết dần chết mòn.

Bạn đọc Diêm Thị Hương, người dân tại xã Vân Hà, Việt Yên (Bắc Giang) gửi email đến Báo Dân trí cho biết: "Tôi muốn phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn xã Vân Hà trong nhiều năm gần đây. Và hiện tại, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn, nước xả thải từ trạm bơm Vạn An, phường Vạn An, TP Bắc Ninh xả ra màu đen sẫm, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.

Những nhà dân sống ven sông nhiều ngày nay phải chịu mùi hôi thối đến mất ngủ, đơn vị cấp nước sạch ngừng lấy nước ở sông Cầu khiến người dân không có nước sinh hoạt, các hộ dân trên địa bàn phải mua nước sạch từ nơi khác vận chuyển đến với giá hơn 200 nghì đồng/m3 rất tốn kém. 

Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 7
Sông Cầu đang giãy chết: Tỉnh Bắc Giang chỉ mặt thủ phạm, kêu cứu 2 Bộ! - 8

Trạm bơm Vạn An, nơi ngày đêm xả thứ nước thải cực độc giết chết sông Cầu.

UBND xã và người dân Vân Hà đã nhiều lần phản ánh lên UBND tỉnh Bắc Ninh nhưng vẫn chưa có sự khắc phục, trong khi đó hằng ngày, hằng đêm người dân phải sống trong sự kinh hãi. Tôi thay mặt cho quê hương Vân Hà  kính mong sự giúp đỡ của Báo Dân trí cứu sống dòng sông Cầu và nhân dân chúng tôi".

Ngày 14/12/2020, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã ban hành Công văn số 4022/TCMT-MTMB gửi Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; UBND phường Phong Khê, thành viên tổ giám sát về việc thực hiện kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường tại 12 cơ sở làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê.

Về nội dung, giám sát kết quả khắc phục đối với từng tồn tại, dấu hiệu vi phạm về môi trường tại cơ sở theo lộ trình đã thống nhất tại cuộc họp ngày 26/6/2020 và công văn về việc thông báo kết quả khảo sát về bảo vệ môi trường của các cơ sở; Lấy và phân tích mẫu các nguồn thải tại từng cơ sở để đánh giá chất lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn (nếu có) trước khi thải ra ngoài môi trường.

Thời gian giám sát tại 12 cơ sở sẽ bắt đầu từ 8h30 phút ngày 14/12/2020.

Các doanh nghiệp bị kiểm tra, giám sát gồm: Công ty TNHH giấy Quốc Toản, Công ty cổ phần giấy Hoàng Ngân, Công ty TNHH giấy Thành Tú, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Thịnh, Công ty cổ phần sản xuất, thương mại, dịch vụ Quang Huy, Công ty cổ phần giấy Việt Đức Anh, Công ty giấy Phát Đạt, Công ty TNHH sản xuất kinh doanh giấy Toàn Tiến...

 Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.