Phụ nữ khi ly hôn đơn phương cần chuẩn bị những gì?

Hải Hà

(Dân trí) - Đơn phương ly hôn có nghĩa là chỉ một bên mong muốn kết thúc cuộc hôn nhân mà bên còn lại không đồng ý.

Cách đây 10 năm, sau khi tôi sinh cháu thứ 2 lại là con gái, chồng tôi đã bỏ vào Đà Nẵng sinh sống. Từ đó đến nay, anh cắt đứt liên lạc với 3 mẹ con tôi, giờ tôi muốn làm thủ tục ly hôn để được hưởng quyền lợi của mẹ đơn thân.

Tôi đã tìm hiểu qua nhiều nguồn thì được biết địa chỉ của chồng tôi, để tìm đến đề nghị ly hôn nhưng anh ta không đồng ý. Vậy tôi phải làm thế nào để ly hôn được với người chồng này, thưa luật sư?

Nguyễn Thị Hạnh (Thanh Oai, Hà Nội)

Trả lời:

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, điều đầu tiên bạn cần làm đó là chuẩn bị tâm lý, bởi việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian, công sức của bạn.

Tâm lý của người quyết định ly hôn cần sự rõ ràng, ổn định. Có nghĩa là bạn biết rõ quan hệ hôn nhân này độc hại, không mang lại hạnh phúc, gây đau khổ cho bạn. Bạn không còn lựa chọn hoặc đã cố gắng nhưng không thể duy trì được quan hệ hôn nhân.

Điều kiện ly hôn đơn phương

Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ hoặc chồng nếu xét thấy có một trong các căn cứ sau:

- Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài;

- Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;

- Vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Trong các căn cứ trên, trường hợp của bạn được xét vào căn cứ thứ nhất: "hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài" được hiểu là vợ, chồng không còn yêu thương, chăm sóc nhau.

Chuẩn bị hồ sơ

Bạn cần chuẩn bị: Giấy đăng ký kết hôn bản chính; CMND, hộ khẩu của vợ, chồng; Giấy khai sinh của các con; Giấy tờ chứng minh tài sản như: Đăng ký xe, sổ đỏ, giấy vay, giấy nợ… Đơn khởi kiện ly hôn được điền đầy đủ yêu cầu: về con, về tài sản, về quan hệ hôn nhân.

Trường hợp không giữ Giấy chứng nhận kết hôn thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao. Trường hợp không có Chứng minh nhân dân của vợ/chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.

Nhiều trường hợp bên còn lại không muốn ly hôn đã giấu giấy tờ đi khiến việc ly hôn sẽ rất khó thực hiện được.

Lựa chọn tòa án có thẩm quyền

Khi kết hôn thì tại ủy ban nhân dân cấp xã của 1 trong hai bên sẽ làm nhiệm vụ này. Còn khi ly hôn đơn phương thì tòa án nơi bị đơn sẽ thụ lý, trong trường hợp này là nơi người chồng đang sinh sống, làm việc. Có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú.

Trình tự thủ tục, chi phí

Thời gian để tòa án giải quyết một vụ án ly hôn phụ thuộc vào khối lượng yêu cầu của đương sự, sự phức tạp, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Trung bình với vụ án ly hôn với 3 yêu cầu giải quyết về Tài sản, con chung, quan hệ hôn nhân thì thời hạn từ 2-4 tháng.

Vụ án chỉ có yêu cầu giải quyết quan hệ hôn nhân thì thời gian có thể chỉ từ 1-2 tháng.

Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, Tòa án sẽ lấy lời khai, xem xét hồ sơ chứng cứ, mời hai bên lên thực hiện 1-2 buổi hòa giải. Sau cùng là mở phiên tòa xét yêu cầu, nếu đủ điều kiện cho ly hôn thì tòa ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân. Nếu không đủ điều kiện tòa sẽ bác yêu cầu ly hôn. Quan hệ hôn nhân của hai bên sẽ vẫn tồn tại.

Vụ án ly hôn thường trải qua 2 cấp tòa, sơ thẩm và phúc thẩm. Tổng thời gian xét xử của hai cấp tòa sẽ nằm trong khoảng thời gian 6 tháng.

Nếu chỉ giải quyết quan hệ hôn nhân, con chung thì án phí là 300 nghìn đồng. Còn nếu chia tài sản, án phí sẽ theo tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản hai bên tranh chấp. Giá trị tài sản càng lớn, án phí càng cao. 

Khi bạn nhận quyết định bản án ly hôn của Tòa án thì khi ấy quan hệ hôn nhân của bạn về mặt pháp lý mới chính thức chấm dứt.