Quảng Trị:

Nhà bị "kẹp" giữa 2 đường điện, dân bất lực kêu cứu suốt hàng chục năm

Đăng Đức

(Dân trí) - Nhiều năm qua, gia đình ông Yêng sống trong sự bất an, lo lắng khi nhà ở bị "kẹp" giữa 2 đường điện cao áp. Vào mùa mưa lũ, hoặc khi xảy ra giông sét, nỗi lo mất an toàn do nhiễm điện lại tăng lên.

Khó cải tạo nhà do vướng hành lang lưới điện

Mùa mưa lũ năm 2020, thêm một năm nữa những người trong gia đình ông Lê Yêng (trú tại thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), phải chống chịu với cảnh nước lũ dâng cao, tràn vào nhà gần 1,5 m, nhưng đành bất lực. 

Nhà của ông Lê Yêng nằm ở khu vực thấp, thường xuyên bị ngập do mưa lũ. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho những người trong gia đình, ông và các hộ lân cận buộc phải sơ tán đến khu vực an toàn, đợi khi nước lũ rút mới dám trở về.

Mặc dù, ông Yêng rất muốn cải tạo nhà, nâng cấp, xây dựng thêm để tránh lũ nhưng đành bất lực do bị "kẹp" giữa 2 đường dây điện cao áp. Chính vì vậy, cả gia đình ông đành phải "cắn răng" chịu đựng suốt nhiều năm qua. 

Bức xúc trước tình cảnh trớ trêu của gia đình, ông Yêng đã không ít lần viết đơn gửi đến các cấp có thẩm quyền kêu cứu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Nhà bị kẹp giữa 2 đường điện, dân bất lực kêu cứu suốt hàng chục năm - 1

Đường dây điện 22 kV đi trước sân nhà ông Lê Yêng.

Theo ông Yêng, gia đình ông chuyển đến định cư tại thôn 6 (nay là thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận) từ năm 1988. Thời điểm đó, khu vực này chưa có đường điện, xung quanh nhà cửa thưa thớt.

Đến năm 1994, ngành điện xây dựng đường dây 35 kV từ Đông Hà - Bồ Bản, đi qua phía sau vườn nhà ông Yêng. Để phục vụ thi công, Ban quản lý dự án khảo sát đền bù giải phóng mặt bằng. Thời điểm ấy, gia đình ông Yêng có nhận bồi thường 50 nghìn đồng tiền hoa màu.

"Khi các đơn vị triển khai thi công, tôi đã từng có ý kiến việc đường dây điện đi sát nhà sẽ ảnh hưởng. Thế nhưng, bên Ban quản lý dự án giải thích là điện dân dụng về nông thôn. Lúc ấy, do tôi không hiểu rõ về những ảnh hưởng sau này nên đành tặc lưỡi để đơn vị thi công dây điện vắt qua vườn nhà mình", ông Yêng nói.

Khi dự án này đi vào hoạt động, vì đường dây chỉ cách nhà có vài mét, gia đình có nhiều con nhỏ, nên ông Yêng luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng. 

Đến năm 2003, thêm một đường dây 22 kV được xây dựng, đi ngang trước sân và chỉ cách ngôi nhà ông Yêng 2,5 m. Nhà của ông bị "kẹp" giữa 2 đường dây điện cao áp.

Bức xúc, ông Yêng viết đơn khiếu nại gửi đến các cấp thì nhận được trả lời rằng, ngôi nhà cách đường dây 2,5 m là không nằm trong hành lang an toàn lưới điện.

Vào tháng 10/2007, Điện lực Quảng Trị có văn bản khẳng định, khoảng cách từ nhà ông Yêng đến 2 đường dây điện vẫn đảm bảo an toàn. Và đưa ra khuyến cáo với gia đình ông Yêng không được xây dựng, cơi nới nhà ở, không được trồng cây cối mọc cao chạm vào đường dây điện.

"Nhà tôi có từ trước, dây điện có sau. Khi làm dự án, cũng chỉ đền bù mấy cây hoa màu chứ không thu hồi đất. Đất của gia đình tôi có sổ đỏ, cấp đất ở, vậy tại sao lại cấm không được cơi nới, xây dựng nhà ở. Bây giờ cứ mưa là lụt, nước ngập hơn 1 m. Nhà làm mấy chục năm xuống cấp rồi mà không cho cơi nới, không cho xây nhà tránh lũ thì gia đình tôi biết sống ra sao?", ông Yêng băn khoăn.

Đề xuất tìm quỹ đất khác cho ông Yêng

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Huy Bằng - chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Triệu Phong cho rằng, ngôi nhà của ông Yêng bị "kẹp" giữa 2 đường dây điện từ lâu nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. 

Nhà bị kẹp giữa 2 đường điện, dân bất lực kêu cứu suốt hàng chục năm - 2

Bị "kẹp" giữa 2 đường dây điện khiến ông Yêng không thể cải tạo, nâng cấp nhà ở để tránh lũ.

Theo ông Bằng, qua nhiều phiên họp, các cấp có thẩm quyền đã đưa ra hướng xử lý. Gần đây nhất, Sở Công thương tỉnh Quảng Trị đã có kết luận giải quyết vướng mắc nói trên, trong đó đưa ra giải pháp tăng chiều cao cột điện 35 kV thành 20 m để ông Yêng có thể làm nhà cao 17 m, nhưng sau đó không thực hiện được.

Điều đáng nói, các phương án xây dựng, cải tạo nhà ở của ông Lê Yêng đưa ra đều bị vướng hành lang an toàn lưới điện nên không thể xây dựng được.

Về giải pháp tháo gỡ, ông Đặng Huy Bằng cho biết, UBND huyện Triệu Phong đã đề nghị UBND xã Triệu Thuận rà soát, tìm kiếm quỹ đất phù hợp, làm các thủ tục giao đất cho gia đình ông Yêng một vị trí khác để xây dựng nhà ở.

"Sau khi được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, xã Triệu Thuận sẽ thực hiện các thủ tục liên quan để giao đất. Trên cơ sở ông Lê Yêng có đơn trình bày nguyện vọng gửi UBND xã xin làm nhà ở tại vị trí khác, xã Triệu Thuận sẽ xét để cấp đất cho gia đình ông Yêng", ông Bằng nói.