Người dân Hà Nội sẵn lòng chi tiền để cải thiện diện tích cây xanh đô thị?

Kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, ước tính mỗi hộ gia đình tại Hà Nội sẵn lòng chi trả trung bình 60 nghìn đồng/tháng để tăng diện tích cây xanh.

Cải thiện, tăng diện tích cây xanh đô thị là một trong các mong muốn lớn nhất của người dân thành phố Hà Nội. Theo TS. Nguyễn Công Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân, kết quả khảo sát ý kiến 1028 hộ gia đình sinh sống tại Hà Nội cho thấy giải pháp mà người dân mong muốn ưu tiên thực hiện (có tỷ lệ lựa chọn cao nhất 73%) là tăng cường hoạt động trồng cây xanh.

Sự lựa chọn của người dân Hà Nội là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đang nỗ lực gia tăng không gian xanh của họ. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc gần đây đã xây dựng hơn 2.000 khu vườn; thành phố Melbourne ở Úc đã lên kế hoạch tăng gần gấp đôi diện tích xanh lên 40% vào năm 2040; và Milan, Ý lên kế hoạch mở rộng không gian xanh của họ với 3 triệu cây sẽ được trồng.

Người dân Hà Nội sẵn lòng chi tiền để cải thiện diện tích cây xanh đô thị? - 1

Những không gian xanh quý giá của Hà Nội như càng thêm mướt mát khi thời tiết chuyển mùa sang thu (Ảnh: Hữu Nghị).

Cũng theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân, được công bố năm 2021 trên tạp chí quốc tế Economic Analysis and Policy, ước tính mỗi hộ gia đình tại Hà Nội sẵn lòng chi trả trung bình 60 nghìn đồng một tháng (tương đương 720 nghìn đồng/năm), để tăng diện tích cây xanh đạt mức 18m2 bình quân đầu người. Mức 18m2 diện tích cây xanh bình quân đầu người là mục tiêu của Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được UBND TP Hà Nội thông qua năm 2014.

Với tổng số hộ gia đình của Hà Nội theo Tổng điều tra dân số năm 2019 là 2.238.441 hộ, tổng số tiền mà người dân Hà Nội sẵn lòng chi trả để cải thiện diện tích cây xanh đô thị là 1.612 tỉ đồng/1 năm. Đây là con số không nhỏ, nếu so sánh với ước tính chi phí ngân sách để thực hiện Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030 là 1.565 tỉ đồng/1 năm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân Hà Nội thực sự mong muốn Thành phố Hà Nội tiếp tục khẩn trương thực hiện các kế hoạch giúp cải thiện không gian xanh đô thị.

Người dân Hà Nội sẵn lòng chi tiền để cải thiện diện tích cây xanh đô thị? - 2

Phố Hoàng Diệu với 3 hàng cây xà cừ lâu năm xòe tán phủ xanh cả đoạn đường (Ảnh: Hữu Nghị).

Hà Nội đôn đốc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố.

Ngày 13/7/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể là, chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp 3 công viên do thành phố quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo. Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng mới 6 công viên gồm: Dự án xây dựng khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy theo hình thức hợp đồng BT, Dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa tại khu đô thị Tây Nam Hà Nội, dự án cảnh quan công viên hồ Phùng Khoang, dự án cụm công trình Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, dự án công viên văn hóa Kim Quy, Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Kế hoạch cải tạo, nâng cấp công viên cây xanh của Hà Nội là một chủ trương đúng đắn, giúp khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống công viên phục vụ công ích trên địa bản thành phố.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Thành phố có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử. Ngoại trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu phục vụ công ích.

Do hình thành từ lâu nên tại nhiều công viên, vườn hoa, diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng, vật kiến trúc... đã bị xuống cấp, lạc hậu, đơn điệu, thiếu đồng bộ, từ đó làm giảm giá trị phục vụ công ích cho cộng đồng dân cư.

Kế hoạch cải tạo, nâng cấp công viên cây xanh cũng là sự tiếp nối nỗ lực cải thiện không gian xanh đô thị cho Hà Nội. Cuối năm 2015, Chương trình trồng mới một triệu cây xanh ở Hà Nội được khởi động. Đến năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới một triệu cây xanh, và đặt mục tiêu trồng thêm 600.000 cây đến năm 2020.

Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội báo cáo đã "trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại". Trong đó, thành phố trồng hơn một triệu cây, các quận huyện trồng trên 539.000 cây và hơn 73.000 cây trồng theo diện xã hội hóa. Việc trồng mới tạo thành các dải xanh, không gian xanh, hành lang xanh giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí.

Nguyễn Công Thành

Trưởng Bộ môn Kinh tế - Quản lý Tài nguyên và Môi trường,

Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị,

Trường đại học Kinh tế quốc dân.