Luồn lách, cướp làn khi tham gia giao thông: ý thức kém hay hạ tầng yếu?

Khả Vân

(Dân trí) - "Ô tô lấn làn hay xe máy "cướp" làn ô tô thì cứ chụp ảnh lại gửi cảnh sát phạt nguội, còn đoạn nào không phân làn thì xe máy đừng đòi nhường đường, vì người đi ô tô mới đóng phí đường bộ cao hơn"

Đó là một trong hàng ngàn ý kiến của bạn đọc xoay quanh vấn đề luồn lách, lấn làn đường giữa xe máy và ô tô.

Bàn về vấn đề văn hóa khi tham gia giao thông của người Việt thì có lẽ đây là câu chuyện không/khó có hồi kết bởi có quá nhiều nguyên nhân xuất phát từ ý thức dẫn đến tình trạng kẹt xe, tắc đường trầm trọng, như: lấn làn, phóng nhanh vượt ẩu, "điền vào chỗ trống", biến vỉa hè thành đường đi…

Do ô tô lấn làn, hay xe máy quen "điền vào chỗ trống"?

Có ý kiến cho rằng, tình trạng chen lấn, giật làn khi đi ôtô đang diễn ra càng ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, hành động này chỉ có ở mấy xe chạy dịch vụ, xe khách, thì giờ cả xe con cũng đua theo. Giờ đi bất kỳ chỗ nào, chỉ cần đường hơi đông một chút mà phải xếp hàng là ôtô có hiện tượng chen lấn, cướp làn xe máy ngay.

Luồn lách, cướp làn khi tham gia giao thông: ý thức kém hay hạ tầng yếu? - 1
Thống kê cho thấy, trung bình một ngày, người dân lãng phí tầm 58 phút tại Hà Nội và 45 phút đến 2 giờ đồng hồ tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ vì ùn tắc giao thông.

Như được dịp bày tỏ bức xúc, một bạn đọc cho biết: "Công việc tôi hay ở ngoài đường bằng xe 2 bánh, rất bức xúc khi xe ô tô, xe buýt, nói chung là xe lớn hầu như lấn làn xe máy, gây kẹt xe triền miên, mặc dù phần đường dành cho xe máy rất nhỏ so với xe 4 bánh, nhưng vẫn bị lấn, giữa trời nắng, khói bụi thì ôi thôi người đi xe máy lãnh đủ. Và để kịp giờ đến công sở thì việc xe máy phải đi lên vỉa hè, giành đường của người đi bộ là việc không thể đừng";

Cùng "thanh minh" cho việc phải đi lên vỉa hè, một bạn đọc ý kiến: "Hàng ngày tôi đi đường Lê Đức Thọ, Nguyễn Hoàng, Cầu Giấy có 3 làn xe tất cả thì cứ ít nhất là 3 làn xe hơi, sát vỉa hè thì oto đỗ hàng dài, xe bus từ trong điểm đón khách đi ra thì cũng vẫn bám vỉa hè để đi, không còn một lối nào cho xe máy hay các phương tiện 2-3 bánh khác cả.

Như thế xe máy không đi trên vỉa hè thì còn lối nào để đi? lách vào giữa 2 xe hơi thì sợ xước xe họ, nhiều khi đang đi sát vỉa hè rồi nhưng nhiều xe hơi vẫn cố lao lên chặn đầu xe máy để đi vào trong đó, tôi cũng không hiểu những người ngồi trong xe hơi vội vàng gì mà chen lấn kiểu thiếu văn hóa như thế?";

Luồn lách, cướp làn khi tham gia giao thông: ý thức kém hay hạ tầng yếu? - 2
Luồn lách, cướp làn khi tham gia giao thông: ý thức kém hay hạ tầng yếu? - 3

"Ùn tắc giao thông tại Hà Nội mỗi ngày thêm trầm trọng, đang "đốt" 12.800 tỷ đồng (tương đương gần 600 triệu đô la) của xã hội mỗi năm", đại biểu Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội nói.

"Mách tội" xe máy, một bạn đọc cho biết: "Tôi là người chạy xe máy hằng ngày đưa con đi học đây, tôi thấy xe máy chạy cũng không vừa đâu, có xe chạy rất chậm ngắm phố phường nhưng chạy bên phía ngoài cản trở những xe khác, số thì chạy hàng hai hàng ba vừa chạy vừa nói chuyện như thể trên đời chỉ có ta, số thì vừa chạy vừa hút thuốc thả khói ngược gió người sau lĩnh đủ, số thì chở hàng cồng kềnh, số thì đang chạy muốn tấp vào là tấp... nhiều lắm kể không hết. Và đặc biệt xe máy hay xe hai bánh là phương tiện lấn làn ngược chiều vượt đèn đỏ nhiều nhất, muốn biết xe máy đi ẩu thế nào để nhìn nhận khách quan, các bác cứ ngồi trên xe bus quan sát là rõ nhất!"

Một ý kiến khác cho rằng ô tô phải đóng phí đường bộ cao hơn xe máy nên đừng đòi hỏi ô tô phải "nhường": "Tôi thấy nếu đúng mà đường có phân làn xe máy riêng mà ô tô lấn làn xe máy thì cứ chụp ảnh gửi cảnh sát rồi phạt nguội, tương tự như vậy đoạn dành riêng ô tô mà xe máy cứ đi vào làm giảm tốc độ lưu thông thì lái xe ô tô cũng cần chụp ảnh lại gửi cảnh sát phạt nguội.

Còn lại những đoạn đường nào mà không có phân chia làn ô tô xe máy riêng thì xin đừng có lấy lí do xe to, có điều hòa ra để nhường đường cho xe máy nhé. Người đi ô tô mới đóng phí đường bộ cao hơn, và hầu hết đường to thiết kế là để cho ô tô đi, phân làn cũng chủ yếu theo tiêu chuẩn vừa một ô tô đi. Tốt nhất là đừng đi xe máy nữa, bỏ xe máy đi rồi đi ô tô bus cho văn minh. Liều mình lấy thịt bọc sắt làm gì?

Tôi đi xe bus nhiều thấy bực mình vì xe máy mới là phương tiện cản trở tốc độ lưu thông của xe bus nhiều chứ không phải các xe con!"

"Ô tô hay cả xe máy ở ta đều rất không có ý thức, xe nào cũng chen mỗi khi thấy có khoảng trống, xe máy nhiều người cũng tạt đầu, đánh võng đủ thể loại, ô tô thì đường dành cho xe brt cũng chen vào luôn nói chi là đường cho 2 bánh.

Mỗi lần tham gia giao thông là một lần trải nghiệm như khám phá: Chạy, dừng, đỗ xiên xẹo, không tuân thủ luật lệ hay xếp vào ý thức tồi; Chạy chậm, khởi động rề rà, thao tác thiếu nhuần nhuyễn, không bao quát không gian dịch chuyển là kỹ năng yếu kém.

Đó là nguyên nhân cơ bản, trước mắt, trực tiếp gây nên nạn tắc đường nghiêm trọng".

Đừng đổ tại phương tiện, cần xem lại ý thức khi tham gia giao thông

Nhiều người cho rằng để xảy ra tình trạng tắc đường, kẹt xe là do hạ tầng giao thông ở ta còn yếu, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của xã hội về cả chất lượng đường xá lẫn vấn đề quy hoạch. Bên cạnh đó là quan điểm cho rằng hạ tầng chỉ là vấn đề rất nhỏ nếu mỗi người tham gia giao thông có ý thức tốt hơn.

Luồn lách, cướp làn khi tham gia giao thông: ý thức kém hay hạ tầng yếu? - 4
Hình ảnh dòng xe máy tràn lên vỉa hè, giành hết không gian của người đi bộ.

"Ô tô hay xe máy đều không có tội gì trong việc gây tắc đường vì chúng chỉ là phương tiện mà nguyên nhân là ý thức của người điều khiển phương tiện quá kém và chưa có hình phạt đủ sức răn đe để sợ mà không vi phạm.

Cứ mỗi khi tắc đường là y như rằng xe máy lấn làn, lấn cả sang đường ngược chiều bất chấp nhiều khu vực đã có dải phân cách cứng và lấn hết cả con đường ngược chiều đến nỗi chỉ còn một xe máy ngược chiều xếp hàng tuần tự đi qua được, ô tô thì chôn chân tại chỗ.

Ngược lại, ở những con đường nhiều làn thì ô tô cứ thích chen hàng, điền vào chỗ trống như thời còn đi xe máy. Ai cũng muốn mình thoát kẹt sớm mà không nghĩ rằng chỉ vì hành vi thiếu ý thức đó của mình mà làm cho từ ùn xe thành tắc đường, nếu ai cũng biết nghĩ đến người khác thì mọi người đều vui vẻ thoát ùn xe rồi chứ không đến nỗi chôn chân cùng nhau".

Luồn lách, cướp làn khi tham gia giao thông: ý thức kém hay hạ tầng yếu? - 5
Những người này sẵn sàng "đè mặt" phương tiện đi đúng đường ở chiều ngược lại. Không ít xe máy, ô tô đi đúng luật phải "nhường" cho những người vi phạm.

"Theo tôi lý do nực cười nhất mà Việt Nam chúng ta vẫn áp dụng suốt nhiều năm qua đó là đèn xanh đi thẳng nhưng làn đối diện lại được rẽ trái, đâm thẳng vào làn được đi thẳng khiến cho ách tắc giao thông trong giờ cao điểm. Ở Đài Loan, họ cũng cấm rẽ trái, sẽ có một ô để các xe muốn rẽ trái đến dừng chờ đèn xanh ở làn đối diện mới được đi, vì thế rất ít khi xẩy ra tắc đường tại các ngã tư.

Đài Loan là nước có tỉ lệ dân số sở hữu xe máy thuộc hàng đầu thế giới, nhưng ít khi tắc đường, tôi nghĩ 1 phần cũng do họ điều hành giao thông thông minh".

Một bạn trẻ cho biết, "Em thật sự thấy ngại về văn hóa giao thông ở Việt Nam, đa số mọi người đều không biết định nghĩa của từ chờ đợi và xếp hàng, gây nên cảnh hỗn loạn mà mọi người thường thấy. Mỗi lần về đến sân bay Nội Bài thôi là thấy chóng mặt vì tiếng còi xe inh ỏi, mọi thứ quá ư là ồn ã".

Trước khi đổ lỗi cho bất cứ loại phương tiện giao thông nào, hay vấn đề cơ sở hạ tầng hoặc các cơ quan quản lý, thiết nghĩ mỗi người nên tự nhìn lại bản thân xem mình đã tham gia giao thông có ý thức và đã đúng luật chưa. Khi mỗi cá nhân tự xem xét và chỉnh sửa ý thức, hành vi của mình và dần có thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện cộng cộng, thì có lẽ câu chuyện tranh cãi xung quanh việc ùn tắc giao thông sẽ chỉ còn là dĩ vãng!

Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? hãy chia sẻ ở khung bình luận bên dưới nhé!