Luật sư hướng dẫn cách để không bị lừa khi mua đất nền dự án

(Dân trí) - Dự án đất nền đủ điều kiện mở bán đòi hỏi rất nhiều điều kiện pháp lý; nếu không tìm hiểu kỹ, thiệt hại chỉ mình người mua phải chịu. Vì vậy hãy nắm rõ 2 điều dưới đây để là một nhà đầu tư khôn ngoan

Đất nền hoặc đất nền dự án là cụm từ thường gặp trong giao dịch đất đai nhưng không được pháp luật định nghĩa về tên gọi, tuy nhiên để dễ hiểu và để phân biệt với việc mua bán một lô đất thông thường thì mọi người hay gọi là "dự án đất nền" hoặc "đất nền dự án".

Theo đó, để có sản phẩm là đất nền mở bán thì pháp luật quy định bắt buộc chủ đầu tư phải tạo lập sản phẩm đất nền gắn với việc phát triển nhà ở theo dự án tùy mỗi loại với tên gọi khác nhau được quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật nhà ở, cụ thể:

"2. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này bao gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở;

b) Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực nông thôn;

c) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án sử dụng đất hỗn hợp mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở;

d) Dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh."

Do vậy để có sản phẩm đất nền, pháp luật không cho phép chủ đầu tư tự ý tách thửa, phân lô để bán mà không gắn liền với việc triển khai một dự án cụ thể, trừ thủ tục tách thửa thông thường.

Muốn phát triển dự án nhằm tạo lập ra sản phẩm đất nền thì pháp luật đều có những quy định và điều kiện chặt chẽ đi kèm, được quy định trong các luật về đất đai, nhà ở, xây dựng, quy hoạch và luật kinh doanh bất động sản,…và phải phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở mỗi địa phương.

Để thực hiện một dự án tạo ra được những sản phẩm đất nền, thì chủ đầu tư phải thực hiện nhiều bước, nhiều công đoạn từ việc tạo lập quỹ đất, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, xin chủ trương đầu tư, lập quy hoạch, xin phép xây dựng, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiệm thu,… nên mất rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực tài chính.

Về phía chủ đầu tư, muốn thực hiện được một dự án có đất nền để bán, thì nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng nhất. Theo đó, chủ đầu tư phải có tiền để tạo lập quỹ đất, đền bù giải phóng mặt bằng; có tiền để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước.

Tuy nhiên, do một số chủ đầu tư không đủ nguồn lực tài chính để thực hiện dự án, nên đã phải bán trước sản phẩm đất nền khi chưa đủ điều kiện mở bán nhằm có nguồn tiền để hoàn thiện dự án. Thậm chí có chủ đầu tư chưa được chấp thuận chủ trương để thực hiện dự án nhưng vẫn bán hoặc bán sản phẩm trong dự án không có thật (dự án ma) để thu tiền. Việc này dẫn đến hệ lụy và hậu quả khôn lường cho người mua và thị trường bất động sản.

Đối với người mua đất nền do không nắm vững pháp lý, tâm lý ham rẻ và chạy theo quảng cáo, khuyến mại và cam kết của chủ đầu tư mà xuống tiền mua đất nền khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán, rồi phải chạy theo chủ đầu tư và có thể phải nhận một kết quả không như mong đợi.

Chính vì vậy để bảo vệ người mua và góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản, thì một câu hỏi mà người mua rất quan tâm là "Khi nào một dự án đất nền đủ điều kiện mở bán?"

Câu hỏi này được Luật sư Vũ Văn Tiến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic giải đáp như sau: Đối với một dự án có sản phẩm đất nền thông thường thì đủ điều kiện pháp lý mở bán khi Có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án và sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai

Việc nghiệm thu này được thực hiện sau khi chủ đầu tư thực hiện xong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong dự án, được UBND cấp tỉnh có văn bản nghiệm thu và chấp thuận. Theo đó, muốn biết chủ đầu tư có đủ điều kiện mở bán hay không người mua chỉ cần hỏi chủ đầu tư văn bản nghiệm thu cơ sở hạ tầng và chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư là rõ ngay.

Riêng đối với dự án phát triển đô thị, thì đất nền trong dự án phát triển đô thị chỉ được mở bán sau khi UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định hoặc văn bản quy định về các khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Theo đó, việc ký hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng hợp tác, ký quỹ, đặt cọc, mua bán hoặc bất kỳ hình thức bằng văn bản nào mà có đối tượng giao dịch là mua bán đất nền trong dự án khi chưa đủ điều kiện mở bán như trên thì đều bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. 

Khi hợp đồng bị vô hiệu, thì một trong các bên có quyền không thực hiện hợp đồng và yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu. Hậu quả là các bên sẽ phải trao trả cho nhau những gì đã nhận, Do vậy, thiệt hại (nếu có) chỉ thuộc về bên mua phải gánh chịu.

Xin cảm ơn Luật sư!

Khả Vân