Hàng trăm hộ dân sống bất an bên mỏ đá: Giám sát việc nổ mìn

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Liên quan đến việc mỏ đá nổ mìn gây rung chấn nhà dân, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương đã tiến hành giám sát ảnh hưởng nổ mìn thí nghiệm tại khai trường.

Như Dân trí đã thông tin, hàng trăm hộ dân thôn Hồng Thịnh (xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) phản ánh về việc mỏ đá vôi nguyên liệu của Công ty Cổ phần xi măng sông Lam (nằm trên địa bàn xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, giáp ranh với xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành) nổ mìn gây rung chấn. Đặc biệt khói bụi bao trùm cả khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cả ngày lẫn đêm.

Hàng trăm hộ dân sống bất an bên mỏ đá: Giám sát việc nổ mìn - 1

Nhiều năm qua, người dân ở đây phải sống trong cảnh bụi bặm do việc khai thác đá.

Ngoài ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nhà cửa của hàng chục hộ dân ở gần khu vực mỏ đá bị rạn nứt, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Đặc biệt, vào chiều 11/8/2021, sau tiếng nổ lớn từ mỏ đá vôi của Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam, khói bụi mù mịt trắng xóa cả thôn Hồng Thịnh (xã Thịnh Thành) khiến người dân vô cùng bất an, lo lắng…

Theo thống kê của UBND xã Thịnh Thành, ít nhất có 27 hộ dân gần khu vực mỏ đá bị ảnh hưởng, chủ yếu bị rạn nứt nhiều chỗ trong nhà ở.

Ngày 6/4, thông tin từ Sở Công Thương Nghệ An, vừa qua đoàn công tác của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đã tiến hành giám sát ảnh hưởng nổ mìn thí nghiệm tại khai trường mỏ đá vôi Bài Sơn thuộc Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam.

Hàng trăm hộ dân sống bất an bên mỏ đá: Giám sát việc nổ mìn - 2

Mỏ đá vôi nguyên liệu của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam nằm sát với khu dân cư xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

Theo đó, bãi mìn giám sát tại khai trường mỏ đá vôi Bài Sơn, thuộc xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương). Thiết bị đo được bố trí đối với hộ chiếu nổ mìn, tại các vị trí khác nhau ở khu vực mỏ đá. Việc đo giám sát do Công ty TNHH Môi trường và Tài nguyên khoáng sản MTK (Cty MTK) thực hiện, với phương pháp đo trực tiếp chấn động và sóng không khí…

Theo kết quả tại buổi giám sát, có 5 trạm máy ghi được 11 tín hiệu và các kết quả đều nằm dưới ngưỡng quy định (khoảng cách từ bãi mìn đến các công trình và nhà của người dân từ 0-91,4m, vận tốc dao động cực trị cho phép 31,75mm/s).

Hàng trăm hộ dân sống bất an bên mỏ đá: Giám sát việc nổ mìn - 3

Nhà cửa nứt nẻ, tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng động khiến người dân xóm Hồng Thịnh (xã Thịnh Thành) luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng.

Khoảng cách từ bãi mìn đến các công trình, nhà của người dân từ 92-1.524m, vận tốc dao động cực trị cho phép 25,4mm/s; có 2 máy đặt các vị trí gần nhà dân ở xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành) không ghi được kết quả do khoảng cách quá xa.

Tại buổi làm việc, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã đề nghị Công ty MTK khẩn trương tính toán lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất. Sau đó lựa chọn, phương pháp thi công nổ mìn tại mỏ đá vôi Bài Sơn, lập báo cáo gửi về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp xem xét, có ý kiến kết luận về quy mô bãi nổ, lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất, phương pháp nổ mìn tại mỏ ở các khoảng cách để đảm bảo an toàn về chấn động và đá văng đến các công trình, đối tượng cần bảo vệ của các hộ dân.

Trong thời gian Công ty MTK tính toán lượng thuốc nổ và Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chưa có ý kiến kết luận về quy mô bãi nổ, lượng thuốc nổ, đề nghị Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy mô và phương pháp đúng hộ chiếu nổ mìn thử nghiệm ngày 22/3.