Công an mua video vi phạm giao thông: Nhiều câu hỏi cần lời giải đáp

Khả Vân

(Dân trí) - Đề xuất mới của lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông về cơ chế trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video vi phạm giao thông để xử phạt nguội đang thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân.

Bên cạnh một số ý kiến trái chiều về đề xuất này, nhiều bạn đọc Dân trí băn khoăn về tính pháp lý của đề xuất và gửi câu hỏi về tòa soạn xoay quanh chủ đề này.

Theo đó, có ý kiến cho rằng liệu việc ghi hình người vi phạm giao thông có phải là hành vi quay lén người khác không? Trường hợp nhiều người cùng quay 1 chủ thể vi phạm để gửi cho công an, thì công an sẽ lựa chọn video nào? Cảnh sát giao thông có được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt không?

Công an mua video vi phạm giao thông: Nhiều câu hỏi cần lời giải đáp - 1

Năm 2021, Thủ tướng vừa có quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" với tổng kinh phí khoảng 2.150 tỷ đồng.

Ghi hình người vi phạm giao thông có phải là hành vi quay lén người khác?

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Pháp trị khẳng định, người dân có vai trò lớn trong việc giữ gìn an toàn giao thông. Rất nhiều trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ được người dân chứng kiến và ghi lại ngay khi sự việc đang diễn ra.

Việc người dân quay video clip các phương tiện vi phạm gửi đến phòng cảnh sát giao thông sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tăng tính răn đe với người vi phạm. Và việc này không hề vi phạm pháp luật, bởi điều đó phát huy vai trò, trách nhiệm, ý thức công dân trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, đặc biệt là về pháp luật trật tự an toàn giao thông.

Điều này cũng thể chế hóa thông tư 65 của Bộ Công an. Từ Nghị định 100 của Chính phủ cũng đã có quy định về việc sử dụng tài liệu, hình ảnh của cơ quan, tổ chức cung cấp để xử lý. Đối với những hình ảnh mang tính cấp bách về tai nạn giao thông, phương tiện đang lưu thông mà người dân thông tin thì có thể tạm dừng phương tiện ngay để xử lý.

Cụ thể: Tại khoản 11, Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cho phép người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.

Theo đó, không chỉ hình ảnh được ghi lại từ hệ thống giám sát hoặc các camera, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng, mà hình ảnh do người dân ghi lại trong quá trình tham gia giao thông cũng được sử dụng để lực lượng chức năng xác minh và xử lý.

Trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được người dân chụp ảnh, ghi hình lại hoặc đăng tải trên báo chí, mạng Internet có thể chuyển cho lực lượng CSGT để xác minh phương tiện, người thực hiện hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm...

Từ đó, lực lượng CSGT có cơ sở mời chủ phương tiện, người thực hiện hành vi vi phạm đến để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, từ ngày 5-8-2020, CSGT được quyền xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dựa vào những hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 65) của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của CSGT.

Khác với hình ảnh từ thiết bị nghiệp vụ của lực lượng chức năng có thể dùng để xử phạt ngay, hình ảnh người dân gửi đến, lực lượng chức năng không xử phạt ngay mà tiến hành xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu, tình tiết, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người cung cấp video, hình ảnh cho CSGT chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó. Khi đến trụ sở CSGT cung cấp thông tin, người dân cần mang theo giấy tờ tùy thân để cán bộ tiếp nhận ghi vào biên bản. Việc này còn nhằm để cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý hoặc trao đổi khi cần thêm thông tin xác minh, xử lý.

Ranh giới giữa "săn" hành vi vi phạm và xâm phạm hình ảnh riêng tư

Bên cạnh 69% bạn đọc tham gia khảo sát của Dân trí đồng tình với việc Công an nên trả tiền cho dân để có dữ liệu xử phạt nguội các hành vi vi phạm giao thông, thì còn một số ý kiến băn khoăn, hoặc chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cơ chế này.

Công an mua video vi phạm giao thông: Nhiều câu hỏi cần lời giải đáp - 2

Có ý kiến cho rằng, với hệ thống camera giám sát "chính thống", những vi phạm còn chưa được xử lý triệt để, thì cơ chế trả tiền mua clip của người dân để phạt nguội không mang tính khả thi cao.

Theo đó, bạn đọc Minh Khang cho biết: "Tôi từng liên hệ đường dây nóng để gửi video vi phạm trật tự an toàn giao thông tại TPHCM thì nhận được câu trả lời "Anh vui lòng đến Trực ban Đội CSGT để làm việc, số 341 Trần Hưng Đạo, Quận 1". Tôi chỉ là người đi ngang qua TPHCM về Tây Ninh thì làm sao đây? Vì vậy, theo tôi cơ quan công an giao thông nên bổ sung địa chỉ email để người dân gửi link video vi phạm nhanh chóng và dễ dàng hơn".

Bạn đọc Thủy Tiên thì cho rằng: "Việc phát hiện và xử lý vi phạm đã được luật quy định. Đó là trách nhiệm của lực lượng chức năng và ngân sách đã trả lương cho họ để làm việc này. Vì thế, việc phải bỏ ra thêm một khoản tiền để mua clip là không hợp lý.

Không những thế, chắc chắn sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh trong thực tế mà cơ quan chức năng hẳn chưa lường được hết. Đơn cử, cùng một vi phạm, có nhiều người dân cùng ghi lại clip và gửi cho CSGT. Video gửi trước chất lượng hình ảnh không rõ, video gửi sau chất lượng tốt hơn, vậy thì sẽ trả tiền cho ai?

Và chắc chắn sẽ có rất nhiều tình huống gây tranh cãi, nếu như góc quay không phản ánh đúng thực tế trên đường".

Bạn đọc Hải An băn khoăn: "Nếu có quy định được thông qua, sẽ hình thành một đội ngũ chuyên "săn" hình ảnh vi phạm một cách chuyên nghiệp với mục đích kiếm thêm thu nhập. Khi đó, ranh giới ghi lại hình ảnh vi phạm với việc xâm phạm hình ảnh riêng tư là rất mong manh.

Thời gian qua, việc xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát đã đem lại hiệu quả tích cực. Điều này không chỉ giúp cho CSGT bớt phải trực tiếp ra đường mà còn giúp phát hiện vi phạm kịp thời, xử lý khách quan, minh bạch."

Bạn đọc Hung Tran thẳng thắn: "Trước khi đánh mạnh vào túi tiền của dân thì nên tu chỉnh lại những chỗ cắm biển, kẻ vạch bất hợp lý như cái vụ vạch xương cá báo chí đã phản ánh gần đây. Và phải có chế tài thật nặng với các trường hợp cắm biển kẻ vạch tào lao rồi hay đè dân ra phạt".

Đồng quan điểm, bạn đọc Trịnh Minh Thế  cho rằng: "Nhà chức trách phải quy chuẩn làm việc nghiêm minh, chí công vô tư đã thì dân mới phục, ý thức xã hội được nâng cao, người dân nghiêm chỉnh chấp hành, vi phạm sẽ ít dần đi".

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy gửi tới Dân trí vào khung bình luận bên dưới nhé!