Cho vay nặng lãi thu lợi trái phép: đến ngưỡng nào đủ để xử lý?

(Dân trí) - Theo mức lãi suất quy định tại Bộ Luật Dân sự, thì việc lãi suất không quá 2.700 đồng/ngày là hợp pháp. Lãi suất vượt quá số tiền trên là mức lãi suất không hợp pháp.

Vay tiền hiện nay là một giao dịch phổ biến, tuy nhiên nhiều người đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết cũng như sự cần thiết của bên vay mà đưa ra mức lãi suất trên trời.

Luật sư Quách Thành Lực, (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã đưa ra một số thông tin mà người vay lẫn người cho vay cần lưu ý để tránh sự can thiệp của pháp luật.

Cho vay nặng lãi thu lợi trái phép: đến ngưỡng nào đủ để xử lý? - 1
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Mức lãi suất vay trong giao dịch dân sự.

Hoạt động cho vay tài sản trong đời sống xã hội diễn ra rất phổ biến. Bộ luật Dân sự quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Lãi suất vay do các bên tự do thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự. Hiện nay Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:

Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Theo cách tính toán thì lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20%:12 tháng = 1,666%/tháng.

Hiện nay các hoạt động cho vay dân sự giữa cá nhân với nhau hoặc giữa cá nhân với cửa hàng cầm đồ thường tính theo số tiền nhất định trên 1.000.000 đồng tiền vay. Theo mức lãi suất quy định trên đây việc lãi suất không quá 2.700 đồng/ngày là hợp pháp. Lãi suất vượt quá số tiền trên là mức lãi suất không hợp pháp.

Hậu quả của việc thỏa thuận mức lãi suất vay cao hơn quy định của Bộ luật dân sự.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật không thừa nhận và không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá đó.

Đặc biệt nếu người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. (Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự).

Lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định trên tháng là: 5 lần x 1,666% = 8,33% Như vậy, chỉ khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 5 lần trở lên thì mới cấu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự.

Tuy nhiên trong hoạt động tố tụng, việc định tội, xác định số tiền thu lợi bất chính, việc tịch thu xung công tài sản cho vay rất phức tạp. Những nội dung này sẽ được giải đáp cụ thể tại bài viết tiếp theo vào ngày mai 28/03, kính mời độc giả đón đọc!