"Cái bang" kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ?

Trọng Trinh

(Dân trí) - Không ít người trăn trở trước số phận của những đứa trẻ nói chưa được, ăn chưa xong nhưng hàng ngày vẫn bị "cắp nách" mang theo lang thang hết chỗ này đến chỗ khác để xin tiền.

Thời gian gần đây, tại các ngã tư của nhiều tuyến phố chính ở Hà Nội tái xuất cảnh "cái bang" ăn xin trên đường. "Cái bang" cũng đủ thành phần từ người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, đến những người phụ nữ mang theo "bùa hộ mệnh" trên tay. Những người trong bộ dạng tả tơi, rách rưới, tay gậy, tay bị chực chờ tại các ngã tư, thấy đèn đỏ là tràn xuống lòng đường xin tiền không trừ một ai.

Theo quan sát, không ít người đi đường khi thấy cảnh người ăn xin đứng trước mặt đã nhủ lòng thương móc tiền trong túi ra cho. Người nhiều thì 50 nghìn, 20 nghìn, người ít cũng vài ba nghìn tiền lẻ.

Cái bang kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ? - 1

Một người đàn ông xin tiền người đi đường ở ngã tư Dương Đình Nghệ - Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội).

Tại ngã tư Dương Đình Nghệ - Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), một người đàn ông tuổi đời khoảng 50 đến 60 tuổi, dáng người thấp nhỏ, chân đi tông, quần áo rách rưới, tay cầm mũ lưỡi trai lật ngửa, ngồi vắt vẻo trên dải phân cách.

Khi đèn giao thông chuyển sang tín hiệu màu đỏ, người này nhanh chân sà xuống đường rồi đứng trước đầu xe của nhiều người dơ mũ lên xin tiền. Thấy vậy, nhiều người lắc đầu nhưng cũng không ít người mủi lòng móc tiền túi ra cho.

Hành động xin tiền của người đàn ông này lặp đi lặp lại hết lượt đèn đỏ này đến lượt đèn khác. Sau vài nhịp đèn đỏ thì ông ta lại ngồi lên giải phân cách rồi nhặt những đồng tiền có mệnh giá lớn rồi nhanh tay nhét ngay vào túi quần, chỉ để lại vài nghìn tiền lẻ bên trong chiếc mũ.

Cái bang kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ? - 2

Chỉ đợi đèn đỏ là người đàn ông này sà xuống lòng đường đứng trước đầu xe máy ngửa mũ xin tiền.

Cái bang kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ? - 3

Hành động này lặp đi lặp lại theo tín hiệu đèn giao thông.

Anh Lê Đình Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Trên đường tham gia giao thông, cảnh tượng người ăn xin đứng xin tiền ở các ngã tư của Hà Nội tôi gặp thường xuyên. Họ cũng khôn lắm, toàn đợi mọi người đi xe dừng đèn đỏ mới ra xin tiền. Bản thân tôi thì chưa cho ai, không phải mình tiếc gì một hai chục nghìn hay một vài nghìn tiền lẻ, mà tôi thấy việc cho những người ăn xin như vậy không biết lòng tốt của mình có được đặt đúng chỗ hay không.

Việc người ăn xin trên đường phố Hà Nội cũng đã được báo chí phản ánh nhiều, cảnh chăn dắt người ăn xin cũng đã được đề cập đến. Đó là lý do mà tôi không cho tiền những người ăn xin này".

Cái bang kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ? - 4

Một người khuyết tật khác xin tiền tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Tố Hữu.

Ông Trịnh Văn Vân (Mỹ Đức, Hà Nội) một tài xế xe ôm nhiều năm thường xuyên đứng bắt khách ở nhiều ngã tư trên phố Tố Hữu thì khẳng định:

"Thi thoảng tôi thấy những người ăn xin này được chở đến các ngã tư bằng xe máy. Sau đó người đi xe máy di chuyển đi nơi khác, có lúc sang bên đường ngồi uống trà đá, để lại người ăn xin một mình xin ăn. Sau khoảng một thời gian nhất định, người đi xe máy sẽ đến và đón người ăn xin đi, có thể họ về nhà hoặc di chuyển sang một địa điểm khác để tiếp tục ăn xin thì tôi không rõ".

Trên nhiều ngã tư khác, không khó để có thể bắt gặp cảnh những người phụ nữ khắc khổ, trên tay bế những đứa trẻ lơ mơ như đói ăn, ngặt nghèo thiếu sự sống, thất thểu cầm nón xin tiền người đi đường. Những đứa trẻ đó chính là "bùa hộ mệnh" đánh thẳng vào tâm lý thương cảm của người đi đường.

Tại ngã tư Tố Hữu - Khuất Duy Tiến, một người phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi, tóc tai bù xù, quần áo rách rưới, chân đi dép lê. Đặc biệt, người phụ nữ này bế một em bé trên tay, trai hay gái không thể phân biệt được vì bộ dạng lem nhem, nhếch nhác.

Cái bang kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ? - 5

Một người phụ nữ bế theo đứa trẻ nhỏ xin tiền ở ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh.

"Thật sự nhìn đứa bé mà thương, mình cho tiền cũng vì đứa bé, nhìn nó chắc bằng tuổi con mình mà đã phải lang thang bê bết ngoài đường đầy nắng gió, khói bụi. Mình cũng đã nghe những câu chuyện người khác truyền tai nhau rằng, những đứa trẻ mà những người phụ nữ mang theo khi đi ăn xin thực ra không phải là con của họ.

Để xin được tiền, họ sẵn sàng thuê những đứa trẻ ở tận đẩu tận đâu rồi lôi đi khắp nơi, mỗi tháng trả cho bố mẹ của những đứa trẻ kia một khoản tiền nhất định. Thông tin này thực hư ra sao cũng không rõ, nhưng nếu đó là sự thật thì không thể chấp nhận được", một người đi đường bày tỏ.

Cái bang kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ? - 6

Cũng tại ngã tư Lương Thế Vinh - Tố Hữu, một người đàn ông khác đứng xin tiền người đi đường.

Cái bang kiếm ăn ở Hà Nội: Liệu lòng tốt có được đặt đúng chỗ? - 7

Chỉ đợi đèn đỏ, người đàn ông này sẽ đi ra ngửa mũ xin tiền.

Trong khi đó, một người phụ nữ khác thì bức xúc cho rằng: "Cứ cho đó là con của họ, thì việc mang con ra đường đầy nắng, cát bụi như vậy là cũng không thể chấp nhận được. Chẳng có người mẹ nào mà lại lấy đứa con nhỏ do mình sinh ra lôi đi như thế cả, trừ khi không phải con của mình. Tình mẫu tử tôi khẳng định không người mẹ nào làm như thế cả đâu. Tôi thì thi thoảng vẫn làm từ thiện, nhưng thông qua những tổ chức uy tín chứ không cho những người ăn xin lang thang ngoài đường bao giờ".

"Ngay cả việc những đứa trẻ bán kẹo, tăm, tăm bông ở các ngã tư, chúng đều đến từ một địa phương nào đó không phải Hà Nội. Hàng ngày tôi vẫn thấy có những người đàn ông to khỏe, vạm vỡ chở chúng trên xe máy rồi đưa hết đến điểm này điểm khác để bán hàng. Không biết được chúng là con, cháu, hay được những người đàn ông này gom lại nuôi ăn ở, mỗi tháng trả cho vài trăm nghìn rồi biến lũ trẻ thành công cụ kiếm tiền cho họ", một người dân khác nói.

Không ít người trăn trở trước số phận của những đứa trẻ tuổi đời chưa lên 2, nói chưa được, ăn chưa xong nhưng hàng ngày vẫn bị cắp nách mang theo lang thang hết chỗ này đến chỗ khác để xin tiền. Nhiều người ngay cả khi cho tiền người ăn xin rồi nhưng vẫn suy nghĩ một điều rằng "liệu lòng tốt của mình có được đặt đúng chỗ, số tiền đó có được người phụ nữ kia dành để chăm sóc đứa trẻ hay lọt vào túi người lớn khác".