Bị công an giữ xe, lẻn vào lấy về, tại sao bị quy tội ăn trộm tài sản?

Hải Hà

(Dân trí) - Vụ một cá nhân bị thu hồi ô tô sau khi vi phạm nồng độ cồn, rồi lẻn vào trụ sở công an để lấy lại chiếc xe của mình đang thu hút sự quan tâm của dư luận, khi người này bị khởi tố tội trộm cắp tài sản.

Như tin đã đưa, tối 30/4, Công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra nồng độ cồn tại đường tỉnh lộ 310B, thuộc địa phận xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, đã phát hiện Trần Minh Thành điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Mazda 2 mang BKS 72A- 362.38 vi phạm nồng độ cồn, nên tiến hành tạm giữ xe ô tô trên.

Sáng hôm sau, Thành cùng Nguyễn Ngọc Báu đi xe máy đến trụ sở Công an huyện Bình Xuyên để xử lý vi phạm. Khi dựng xe trước cổng nhà tạm giữ phương tiện và quan sát thấy không có người quản lý trông giữ nên cả 2 đã lẻn vào trong.

Sau đó, Báu mở cổng để Thành điều khiển xe ô tô của mình (trị giá khoảng 250 triệu đồng) rời khỏi bãi xe về cất giấu tại đường liên thôn (giáp nhà của Thành). Hiện cơ quan CSĐT - CAH Bình Xuyên đã thu hồi xe ô tô trên và củng cố hồ sơ để khởi tố Thành và Báu về hành vi trộm cắp tài sản do lái xe ô tô của chính mình.

Trước diễn biến sự việc, dư luận thắc mắc tại sao đối tượng lại bị khởi tố tội trộm cắp tài sản khi về cả tình lẫn lý xe là của Thành? Có ý kiến cho rằng nếu xử phạt cũng chỉ có thể khép vào tội chống đối lực lượng chức năng.

Bị công an giữ xe, lẻn vào lấy về, tại sao bị quy tội ăn trộm tài sản? - 1

Hai đối tượng bị Công an huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tạm giữ hình sự (Ảnh: ANTĐ).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, về quy định pháp luật hình sự và thực tiễn xét xử thì hành vi ăn trộm lại xe của chính mình từ cơ quan xử lý vi phạm hành chính đã được một số tòa án tại nhiều địa phương trong cả nước kết án là hành vi trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên trong vụ việc này, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc định tội trộm cắp với anh Thành và anh Báu.

Điều 173 Bộ luật hình sự xác định hành vi phạm Tội trộm cắp tài sản như sau: "1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm":

"Tài sản của người khác" được khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử xác định là tài sản của chủ sở hữu hoặc của người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Trường hợp này cơ quan cảnh sát giao thông huyện Bình Xuyên thuộc trường hợp chủ thể có trách nhiệm quản lý tài sản. Việc quản lý tài sản của cơ quan công an được thực hiện trên cơ sở hoạt động tạm giữ phương tiện giao thông- một biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính được.

Do vậy nếu việc tạm giữ phương tiện của cơ quan cảnh sát giao thông huyện Bình Xuyên chưa đúng trình tự, thủ tục, đúng nội dung quy định pháp luật cụ thể là: Chưa có Biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm, hoặc Biên bản được ký bởi người không có thẩm quyền, hoặc chưa được thiết lập phù hợp quy định pháp luật thì đồng nghĩa với việc cơ quan này chưa phải chủ thể có trách nhiệm quản lý tài sản hợp lệ và hệ quả tiếp theo là hành vi của Thành, Báu khó có thể đánh giá thuộc hành vi trộm cắp tài sản của người khác để dẫn tới cấu thành tội trộm cắp tài sản.