Áp lực thi lớp 10

Ơn giời, Hà Nội khống chế dịch khá tốt. Kỳ thi diễn ra gần sát với kế hoạch ban đầu, chỉ lùi 2 ngày, có thể là để chuẩn bị kỹ hơn các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Sáng nay hàng nghìn sĩ tử đã chính thức bước vào kỳ thi lớp 10 - một kỳ thi được đánh giá "nhiều cảm xúc", vì dịch Covid -19 dẫn tới những thay đổi khiến nỗi lo lắng vốn là "đặc sản" của các bậc phụ huynh tăng gấp bội.

"Các con có lo lắng không"? Câu hỏi này được nhiều phụ huynh lớp con gái tôi đặt ra trong group chung của lớp, ngay từ khi ngành giáo dục Hà Nội công bố thời gian thi lớp 10.

Câu trả lời phần lớn đều là "bố mẹ còn lo hơn cả con" vì đây là kỳ thi đặc biệt, là kỳ thi trong nghịch cảnh vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Các bố mẹ lo các con "dính" liền 2 mùa Covid, học online kiến thức rụng rơi nhiều; rồi thì lo vì môn thứ 4 - môn Lịch sử vẫn được Sở quyết định đưa vào kỳ thi khi điều kiện học online có nhiều khó khăn; rồi lại lo vì phút cuối rồi Sở Giáo dục còn điều chỉnh thời gian thi theo hướng rút ngắn, sợ các con không kịp thích ứng, làm bài khó đạt kết quả cao...

Tôi cũng đặt câu hỏi tương tự với con gái nhiều lần, rằng "con có lo lắng không?" Con gái, như thường lệ vẫn trả lời kiểu trấn an mẹ: "Con sẽ cố gắng để đạt kết quả khả quan nhất".

Và để bố mẹ yên tâm, con bé thực sự đã luôn nỗ lực thật nhiều. Gần như suốt năm qua, ngoại trừ chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", con bé đã bỏ hẳn thói quen xem ti vi. Thói quen đọc báo "cày view" cho mẹ theo cách nói vui của con bé cũng tạm gác lại. Thời khóa biểu của con chỉ có "Học, Học, Học và Học".

Môn thi thứ 4 - môn Lịch sử được Sở quyết định đưa vào kỳ thi khá muộn. Đặc biệt ngay sau đó, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, các trường đều phải học online. Tuy nhiên, theo dõi diễn biến trong các nhóm, group, có thể thấy, chỉ một thời gian ngắn sau, từ những lo lắng ban đầu, các ý kiến đã có nhiều thay đổi. Nhiều phụ huynh thì cho rằng "cứ coi như đó là một môn gỡ điểm"; rồi học sinh thì muốn "đừng thay đổi gì nữa, vì các con đã ôn tập rồi"... Nhìn chung, cả phụ huynh và học sinh đã thích ứng khá nhanh với hoàn cảnh mới.

Trong group chung của lớp con gái tôi, các bậc phụ huynh cũng thường xuyên chia sẻ, update những thông tin liên quan đến kỳ thi chuyển cấp. Có lẽ chưa năm nào như năm nay, gần đến sát ngày thi, phụ huynh vẫn thấp thỏm vì sợ lịch thi lại bất ngờ bị hoãn. Dịch Covid-19 khiến nhiều trường ra thông báo lùi lịch thi ngay trước hôm thi chỉ một vài ngày. Sự thấp thỏm "không biết bao giờ mới được thi" ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý của các con và chính các bậc phụ huynh.

Cũng có nhiều bố mẹ xác định không tạo áp lực cho con, cho mình, đăng ký thêm trường tư, con không đỗ trường công thì "chuẩn bị" sẵn trường tư nhưng nỗi lo "nghé hôm nay đi thi" vẫn cứ canh cánh ở đó. Nếu như hệ thống trường cấp 3 công được đầu tư nhiều hơn, có nhiều trường sở, thầy cô, với chất lượng vượt trội so với bây giờ để công cuộc cạnh tranh cho các con không quá khắc nghiệt, nhất là khi dịch dã thế này thì tốt biết mấy.

Ơn giời, Hà Nội khống chế dịch khá tốt. Kỳ thi diễn ra gần sát với kế hoạch ban đầu, chỉ lùi 2 ngày, có thể là để chuẩn bị kỹ hơn các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Thực sự, nhiều phụ huynh trong đó có tôi đã "nín thở" cho đến tận sáng nay, khi các con chính thức bước chân qua cổng trường, chuẩn bị sẵn sàng cho môn thi thứ nhất.

Áp lực thi lớp 10 - 1

Các thí sinh được sát khuẩn tay cẩn thận trước khi vào phòng thi (Ảnh: Danviet.vn).

 Đi thi, tâm lý là cực kỳ quan trọng. Tối qua, cô giáo gửi nhiều lời chúc, kèm một đề thi văn - dạng đề 90 phút theo quy định mới. Lần đầu tiên, tôi cùng ngồi đọc và ôn đề với con với theo kiểu "làm văn miệng". Con tư duy, con suy nghĩ, con làm văn trong tâm trạng hứng khởi đặc biệt. Nhiều ngôn ngữ, hình ảnh so sánh, ví von được con sử dụng khi phân tích một trích đoạn thơ trong tác phẩm "Nói với con" của tác giả Y Phương; rồi phân tích thử một đoạn trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê khiến mẹ có chút ngạc nhiên. Cách học văn và làm văn thời này khác nhiều so với thời của tôi vài chục năm về trước. Cơ bản, các con đã biết liên hệ với thực tiễn nhiều hơn. Có cảm giác "những chủ nhân tương lai" của đất nước đã ít nhiều ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước, với xã hội thời mở cửa, hội nhập…

 Đó là suy nghĩ của người lớn. Rất có thể con bé 15 tuổi chỉ nghĩ đơn giản, đó là làm văn - một bài văn đúng "chuẩn" để có thể đạt điểm cao nhất.

Đêm qua có trận bóng, đội tuyển Việt Nam gặp Malaysia. Thường thì con bé sẽ thức để xem cùng bố mẹ. Nhưng hai trận gần đây con đều nói "sáng mai con xem kết quả là được".

Bản tin sáng thông báo kết quả trận bóng, với chiến thắng thuộc về đội tuyển Việt Nam. Đó là một thông tin tốt. Cảm xúc đặc biệt từ chiến thắng của tuyển Việt Nam, với lời bình luận về "tinh thần đồng đội, lối chơi chắc chắn..." có vẻ truyền cảm hứng cho con bé trước giờ bước vào cuộc thi.

Sáng nay, sau khi các con bước vào kỳ thi, các group lớp, nhóm bạn, "nhóm đồng hành" với K2006 lại liên tục báo tin nhắn. Các phụ huynh chia sẻ sự hồi hộp, cùng đoán già đoán non về đề thi... Cơ bản, câu 6 điểm vào bài "Đồng chí" (Chính Hữu) được đánh giá là "vừa tầm". Đặc biệt, ở câu này, theo các phụ huynh, các con có thể liên hệ với thực tiễn "đồng lòng chống giặc Covid-19" hiện nay. Hình ảnh cậu bác sĩ trẻ "cạo trọc đầu trước khi đi vào vùng dịch" được lan tỏa, được so sánh khá hay. Một phát hiện có thể nói là thú vị!

Đến giờ này, kỳ thi vẫn chưa kết thúc. Với nhiều sĩ tử, kỳ thi còn kéo dài nếu các con thi chuyên Sư phạm, Chuyên KHTN và nhiều trường khác... Nhưng "vạn sự khởi đầu nan", hy vọng các con đã có một ngày thi đầu tiên thuận lợi, tận dụng được tất cả các kiến thức đã học, thích ứng được với những thay đổi trong một mùa thi - mùa Covid.

Đó sẽ là tiền đề tốt để các con thi tốt trong những buổi thi sau, và về lâu dài, là tiền đề tốt để các con thích ứng với nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống sau này. Và điều quan trọng nhất mà bố mẹ trông chờ, có lẽ là các con đã và sẽ học được những gì, cất giữ được những gì trong hành trang của mình - không chỉ là kiến thức, mà còn là kỹ năng, hiểu biết, hiểu được những giá trị sống, để các con vui vẻ, tự tin, vững chãi trên những chặng đường dài mà các con đang bước tới.