1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tội phạm mua bán người núp bóng dưới dạng cho, nhận con nuôi, đẻ thuê…

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Cho nhận con nuôi, đẻ thuê, cho, hiến tạng, xuất khẩu lao động, vượt biên trái phép lao động tự do, du lịch, chữa bệnh… là những thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường dùng để lừa các nạn nhân.

Đó là chia sẻ Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ công an về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn bán người tại lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao mới đây.

80% nạn nhân bị bán qua biên giới

Theo Thứ trưởng Bộ công an, trong những qua, nhất là những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến khá phức tạp, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, có tác động trở ngại đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây tâm lý lo lắng, dư luận bất bình, bức xúc trong quần chúng nhân dân, cần phải được tiếp tục quan tâm giải quyết.

Thông qua kết quả công tác Phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, ông Tỏ nhận định, loại tội phạm này xảy ra hầu hết ở khắp mọi nơi, bất luận đó là đô thị, nông thôn hay ở những vùng biên giáp ranh, hẻo lánh.

Tội phạm mua bán người núp bóng dưới dạng cho, nhận con nuôi, đẻ thuê… - 1

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ công an (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Thượng tướng Tỏ chỉ ra rằng, tội phạm mua bán người thường núp bóng, trá hình, rất tinh vi đa dạng, có cả trực tiếp, gián tiếp qua trung gian hoặc thông qua không gian mạng; câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia, quốc tế.

Hình thức mua bán thường núp bóng dưới dạng "cho nhận con nuôi", "kết hôn có yếu tố nước ngoài"; "đẻ thuê" "cho, hiến tạng", "xuất khẩu lao động", "di cư bất hợp pháp và kể cả hợp pháp", "vượt biên trái phép lao động tự do", "đi ra nước ngoài thăm quan, du lịch, chữa bệnh, thăm thân",...

Nạn nhân chủ yếu bị bán sang các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam (80%), số còn lại sang một số nước khác bằng đường bộ, đường không và đường biển, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ cho hàng nghìn nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ.

Đề phòng cả người thân quen hứa hẹn tìm việc

Tội phạm buôn bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người dân, nhất là trẻ em, phụ nữ, người có hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh thiếu niên có tư tưởng nhanh làm giàu, đổi đời. Loại tội phạm này lừa đảo, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao rồi bán nạn nhân sang nước ngoài để trục lợi.

Thời gian qua, mạng xã hội nổi lên nhiều thông tin đăng tuyển người sang Campuchia làm việc với mức lương cao. Đồng thời, nhóm đối tượng còn đưa ra một số điều kiện như biết đánh máy, giọng nói tốt... tạo dựng lòng tin với các nạn nhân.

Những nạn nhân từ các tỉnh và TPHCM được đưa qua đường tiểu ngạch sang Campuchia. Tuy nhiên sau đó, nạn nhân bị yêu cầu trả số tiền đền bù vận chuyển và chi phí ăn ở; có người còn bị bắt, khống chế, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục và yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc...

Tội phạm mua bán người núp bóng dưới dạng cho, nhận con nuôi, đẻ thuê… - 2

4 Bộ thống nhất phối hợp tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Theo Bộ Công an, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.

Theo đó, người lao động cần luôn cảnh giác, đề phòng người lạ, thậm chí cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán.

Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.