1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nữ luật sư kể chuyện "chia con" khi ly hôn, bất lực không thể... giải cứu

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau 6 năm không cách nào được về với mẹ, đứa con bỏ nhà đi để lại lá thư: "Nếu ba không cho con về ở với mẹ thì ba sẽ không gặp lại con trên đời này nữa"...

Theo dõi vụ việc "mẹ kế" Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh chết bé V.A. gây chấn động, luật sư - công chứng viên Nguyễn Thị Cúc (ở TPHCM) chia sẻ, đứa trẻ mới 8 tuổi ấy phải xa rời vòng tay yêu thương của mẹ, đến sống với bố cùng "dì ghẻ" tận cùng độc ác. Nơi đó, bé sống trong cô độc giữa những làn roi quất, những trò tra tấn, những lời xỉ vả... của cả bố và "mẹ kế" trút xuống.

Nữ luật sư kể chuyện chia con khi ly hôn, bất lực không thể... giải cứu - 1

Bà ngoại bé V.A trong phiên tòa xét xử Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái (Ảnh: Hải Long).

Theo bà Cúc, độc ác hơn khi lần "dì ghẻ" lột đồ cháu, nhốt vào chuồng chó, người bố còn nói "chó cắn nó đi". Không chỉ chịu đựng nỗi đớn đau kinh hoàng về thể xác, bé gái còn gánh sự dày vò khủng khiếp về tinh thần khi không có ai bên mình, không có ai bênh vực và cháu không thể tâm sự với ai.

Bé V.A ra đi chấm dứt những tháng ngày trần ai đau đớn. Từ trải nghiệm của bản thân cùng quá trình làm nghề của mình, luật sư Cúc bày tỏ, người đáng thương nhất vẫn còn phải sống trên đời là mẹ cháu. Nỗi xót xa vì để mất con, khi bản thân không ở bên cạnh bé sẽ giày vò chị suốt cuộc đời.

Nữ luật sư kể thêm câu chuyện của mình, cho thấy những bế tắc của nhiều người mẹ sau ly hôn. 

"Phép toán chia con"

20 năm trước, vợ chồng bà Cúc ly hôn khi con trai V.H hơn 9 tuổi và N.M lên 6. Cả bà và chồng đều có nguyện vọng được nuôi cả hai con. Bà năn nỉ chồng: "Anh cho em nuôi 2 con, em sẽ ở vậy chăm con, không lấy chồng nữa. Còn anh, anh sẽ lấy vợ, sợ mẹ kế sẽ không thương con mình".

Người chồng đáp: "Không! Anh cũng thương con như em, anh sẽ có trách nhiệm nuôi con tốt. Nếu anh lấy vợ thì tiêu chuẩn đầu tiên là cô ấy phải thương con chúng ta như con đẻ".

Theo luật hôn nhân và gia đình, những quyết định liên quan đến đứa trẻ khi đã đủ 9 tuổi phải xem xét nguyện vọng của bé. Vậy là tòa ra quyết định con đầu của anh chị ở với mẹ theo nguyện vọng của cháu, con nhỏ ở với bố. Hai bên phải tạo điều kiện để bố mẹ được gặp gỡ, quan tâm đến con cái. 

Nữ luật sư kể chuyện chia con khi ly hôn, bất lực không thể... giải cứu - 2

Sau ly hôn, người mẹ nuôi đứa lớn, còn bố chăm đứa nhỏ... (Ảnh minh họa).

Sau ly hôn, bà Cúc và con trai cả rời căn nhà chung của gia đình, ra ngoài thuê nhà. "Không thể kể hết những ngày tháng đó tôi đã vất vả và đau khổ thế nào. Rất nhiều người và cả con trai đầu chất vấn: "Tại sao mẹ không chọn nuôi đứa nhỏ, em mới hơn 6 tuổi mà lại nuôi anh?", bà Cúc kể.

Bà chỉ một câu trả lời duy nhất "Tòa án ra phán quyết vậy thì phải thi hành" nhưng những người không hiểu luật không "tha" phán xét người mẹ. Họ cho rằng bà chọn đứa lớn hơn thì dễ dàng hơn, con sẽ sớm trưởng thành, còn đứa nhỏ sẽ phải chăm sóc nhiều hơn, vất vả hơn.

Nữ luật sư mô tả lại thời điểm đó, nỗi đau chìm trong nỗi đau, vừa đau khổ vì xa con vì chịu nỗi oan ức. Đơn độc, đó là thử thách lớn với người phụ nữ sau hôn nhân đổ vỡ. 

Xa mẹ và anh, thời gian đầu, N.M em khóc lóc không ngớt, đêm tấm tức mãi khi không có vòng tay mẹ. Cứ vài ngày bà lại qua thăm con, lần nào gặp nhau, 2 mẹ con cũng nhạt nhòa nước mắt. Bà dặn con chăm ngoan, rồi mẹ sẽ có cách đón con về với mẹ... 

Nhưng sau đó là lời người chồng cũ: "Thôi, không được qua thăm con nữa!" vì mỗi lần gặp mẹ xong là cả đêm đó con khóc đòi mẹ, không thể tập trung học hành. Theo người bố, con cần quen dần với cuộc sống thiếu mẹ và anh.

Vậy là cũng giống mẹ bé V.A, nữ luật sư đành tìm cách gặp con ở trường, sau mỗi giờ tan học. Nhưng rồi chồng cũ cưới vợ, anh đã chuyển trường cho con... 

Một mình bà đơn độc giữa Sài Gòn, sấp ngửa với công việc để kiếm miếng cơm manh áo. Giờ vào học và tan trường N.M trùng với V.H nên dần dần, người mẹ bận đưa đón con lớn, không thể đến trường N.M nữa, dù chỉ để nhìn con từ xa. 

Khi ba cưới vợ và có thêm con nhỏ, N.M xin bố cho về với mẹ. Bà Cúc cũng nhiều lần liên hệ với chồng cũ xin đón con về nhưng không được chấp nhận. 

Ông bố cương quyết: "Vợ chồng anh đều là giảng viên đại học, không nuôi nổi con hay sao mà phải giao cho em nuôi cả hai đứa? Vợ của anh rất thương N.M. Vậy giờ anh đề xuất anh nuôi cả V.H cho các con có anh, có em thì em có chịu không? Em nuôi V.H cho tốt đi là được rồi." 

Người chồng có lý do của mình, người vợ cũ đành nuốt nước mắt vào trong....

Tại mẹ chưa hết lòng...

Khi bà Cúc có bạn trai, đó là một thẩm phán. Có lần bé N.M giận dỗi: "Mẹ là luật sư, bác là thẩm phán viên cao cấp mà không giúp cho con về với mẹ. Tại mẹ chưa hết lòng thôi". 

Khi đó, bà Cúc khóc, nước mắt rơi ướt đầm cả vầng trán của con. Đúng, bà luật sư, bạn trai là thẩm phán nhưng lúc đó họ cũng không thể làm được gì. 

"Ba con không đồng ý thì không có cách nào khác con ạ. Để thay đổi được quyết định của tòa là cả vấn đề lớn, trong hoàn cảnh và tình hình hiện nay thì không thể được. Chỉ có cách là con chăm ngoan rồi tới ngày ba sẽ cho con về với mẹ và anh", bà nói với con trai. 

Buồn đau vì thương nhớ con nhưng lúc đó, bà vẫn phải cố gắng làm việc cả ngày và làm thêm vào ban đêm để có thu nhập bảo đảm cuộc sống của mẹ con.

Tới một ngày, khi thấy không thể lay chuyển được ý chí của ba, còn mẹ không có khả năng thay đổi được tình hình hiện tại, N.M bỏ nhà đi. Con để lại một lá thư chan chứa nỗi niềm với câu kết: "Nếu ba không cho con về ở với mẹ thì ba sẽ không gặp lại con trên đời này nữa". 

Cả nhà hoảng loạn đi tìm N.M. Đến khi tìm được cháu, người bố đã đồng ý cho cháu về với mẹ và anh. Sau 6 năm sống trong nỗi đau chia xé, 3 mẹ con được đoàn tụ.

"Đón được con trở về, tôi như người được hồi sinh sau bao tháng năm chết chìm trong buồn nản, bế tắc", bà Cúc bày tỏ.

Điều may mắn với nữ luật sư và bé N.M là mẹ kế của cháu rất tốt, cô đã yêu thương, chăm sóc cháu. Dù vậy, hạnh phúc nhất của đứa trẻ là được sống cùng với ba, mẹ, anh chị em ruột thịt trong một mái nhà đầm ấm yêu thương.

Bà Cúc sau cùng quyết định chia tay với bạn trai để sống trọn vẹn cùng các con, một mình miệt mài làm việc, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các con. V.H và N.M năm ấy giờ đều đã tốt nghiệp đại học và lấy học bổng nghiên cứu sinh ở Anh và Nhật. 

Nữ luật sư kể chuyện chia con khi ly hôn, bất lực không thể... giải cứu - 3

Chỉ khi con trai bỏ nhà đi, để lại lá thư "sẽ không gặp lại con trên đời", người mẹ mới đón được con về (Ảnh minh họa).

"Tôi kể câu chuyện cuộc đời mình để mọi người hiểu và cảm thông cho bao người phụ nữ đã không thể bảo vệ được con mình" - luật sư Nguyễn Thị Cúc tâm niệm.

Đã có nhiều thân chủ là chị em khóc nức nở tìm đến bà vì phải giao con cho chồng cũ nuôi khi bản thân không có việc làm, không đảm bảo điều kiện nuôi con. Nhiều người tìm gặp con được vài lần thì nghe đứa trẻ nói: "Mẹ đừng gặp con nữa, mẹ gặp con là về mẹ kế đánh con! Đau lắm, mẹ ơi!". Và không ít những bà mẹ chỉ có thể nghĩ đến con từ xa, trong âm thầm và đau đớn.

Nữ luật sư cũng nhấn mạnh, phía sau những đứa trẻ bị bạo hành có thể là những người mẹ đắm chìm trong nước mắt của đớn đau và bất hạnh.

Luật sư Nguyễn Thị Cúc trải lòng, bà không dám khuyên ai đó đừng ly hôn vì những người trong cuộc mới biết cuộc hôn nhân đó, nếu kéo dài sẽ ra sao. Nhưng bà mong mọi người hãy cố gắng sống hết lòng vì nhau để cuộc hôn nhân đừng đi đến bờ vực, để rồi phải đẩy con trẻ vào cảnh tan đàn sẻ nghé.

Thực tế, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, tình trạng trẻ nhỏ phải ở với mẹ kế, bố dượng sẽ càng nhiều. Điều này đòi hỏi mỗi người, gia đình và xã hội phải cùng dành cho con trẻ nhiều sự quan tâm và yêu thương hơn.