1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nhiều đề xuất về hoạt động công đoàn cơ sở trong thời kỳ mới

Phạm Công

(Dân trí) - Cân nhắc việc thay tên gọi "kinh phí công đoàn" bằng "Quỹ hỗ trợ phát triển quan hệ lao động" nhằm tập trung hỗ trợ phát triển quan hệ lao động và hỗ trợ người lao động tại cơ sở.

Đây là một trong những nội dung về đổi mới và phát triển hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, vừa được bàn luận tại Hội thảo do Liên đoàn lao động Hà Nội tổ chức cuối tháng 4 tại Hà Nội.

Đối mặt với nhiều thách thức

Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện và đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Công đoàn Việt Nam còn có trách nhiệm tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Nhiều đề xuất về hoạt động công đoàn cơ sở trong thời kỳ mới - 1

Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, cho rằng hoạt động của công đoàn cơ sở còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Đình Hùng cho biết, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đang quản lý 9.031 công đoàn cơ sở và 609.274 đoàn viên công đoàn, trong đó, có 5.609 công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước.

Hoạt động của các cấp công đoàn TP Hà Nội ngày càng thiết thực, hiệu quả và tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nhưng so với yêu cầu phát triển của đất nước những năm qua, hoạt động của công đoàn nói chung và hoạt động công đoàn cơ sở nói riêng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, chậm đổi mới. 

Ông Lê Đình Hùng cho rằng, hoạt động công đoàn cơ sở nhiều nơi đang đối mặt với những khó khăn, như: Nội dung và phương thức còn dàn trải, thiếu kỹ năng và chưa tập trung trong thực hiện các nhiệm vụ chính của tổ chức công đoàn là chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Quy mô đoàn viên ở các công đoàn cơ sở còn nhỏ lẻ, dẫn đến phân tán, tiêu tốn nhiều nguồn lực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm và phương thức tập hợp người lao động. Thị trường lao động và quan hệ lao động sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới, có yếu tố phức tạp hơn đối với tổ chức công đoàn" - ông Lê Đình Hùng cho biết.

Theo ông Lê Đình Hùng, Bộ Luật Lao động năm 2019 đã cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, hoạt động bên ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ. Sự xuất hiện của tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam có nguy cơ làm tăng chậm, thậm chí giảm số lượng đoàn viên cũng như số lượng công đoàn cơ sở.

Có nên đổi tên gọi "kinh phí công đoàn"?

Bàn thêm về hoạt động công đoàn cơ sở, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội - cho rằng: "Công đoàn cấp cơ sở có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống tổ chức công đoàn. Đây là nơi đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tổ chức công đoàn đến với đoàn viên, người lao động".

Để giải quyết những khó khăn và vấn đề còn tồn tại trong các tổ chức công đoàn cơ sở, ông Bùi Sỹ Lợi gợi ý cần thí điểm thành lập công đoàn cơ sở ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên.

Nhiều đề xuất về hoạt động công đoàn cơ sở trong thời kỳ mới - 2

Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội.

"Cần nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, mở rộng hình thức tập hợp người lao động ở khu vực phi chính thức, từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức nghiệp đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo ngành, nghề, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới" - ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính tương thích với quy định mới được áp dụng trong Bộ luật Lao động 2019, những cam kết quốc tế mới đây và tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO, thì việc vẫn sử dụng tên gọi "kinh phí công đoàn" sẽ không phù hợp.

Do vậy, ông Bùi Sỹ Lợi gợi ý việc cân nhắc thay thế tên gọi "kinh phí công đoàn" bằng "Quỹ hỗ trợ phát triển quan hệ lao động" nhằm phù hợp hơn.

Trong đó tập trung làm rõ một số vấn đề, như: Chỉ rõ về tôn chỉ, mục đích của quỹ này, tập trung hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, không chỉ hỗ trợ riêng cho người lao động thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam, người lao động thuộc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà còn cho cả người sử dụng lao động.

Bàn về những khó khăn của hoạt động công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho rằng, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm công đoàn cơ sở theo thực tế và nhu cầu đoàn viên, lập mạng lưới tổ công đoàn thành hệ thống quản lý chặt chẽ, gắn với đào tạo, hỗ trợ và kiểm tra.

Ở cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TS. Vũ Minh Tiến cho rằng, cần tăng cường, hơn nhiều lần hiện nay, trong việc thực hiện trực tiếp và hỗ trợ liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố tập huấn, đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở.

Liên đoàn lao động đồng hành cùng với người sử dụng lao động chăm lo việc làm, thu nhập, đời sống cho đoàn viên. Tham gia cùng người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.

TS. Vũ Minh Tiến lưu ý: "Cần sớm hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp cụ thể về mặt pháp lý, tài chính để bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở trước các nguy cơ bị phân biệt đối xử vì lý do hoạt động công đoàn từ người sử dụng lao động về bảo đảm việc làm, tiền lương...".