1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Kiểm tra việc hỗ trợ người lao động: "Không thể chậm chạp, để dân chờ!"

Bình Minh

(Dân trí) - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho rằng, giải quyết hỗ trợ cho người lao động ảnh hưởng do dịch Covid-19, các địa phương phải chủ động, táo bạo và quyết liệt.

Vì sao giáo viên ngoài công lập không được hỗ trợ?

Theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), quá trình thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, giáo viên mầm non ngoài công lập trên địa bàn đang gặp vướng mắc.

Bà Vân thông tin, trên địa bàn Thanh Hóa ngày 11/5, các cơ sở giáo dục mầm non được nghỉ hè sớm để phòng, chống dịch. Đến ngày 18/6, UBND tỉnh Thanh Hóa ủy quyền cho Sở GD&ĐT ra văn bản cho phép các cơ sở mầm non, trung tâm ngoại ngữ tin học hoạt động trở lại. Như thế, thời gian nghỉ các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn thực tế chỉ 15 ngày đầu, khó khăn là không đáng kể.

Kiểm tra việc hỗ trợ người lao động: Không thể chậm chạp, để dân chờ! - 1

Đoàn Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH làm việc với thị xã Nghi Sơn (Ảnh: BM).

Riêng thị xã Nghi Sơn, thời điểm công văn cho phép cơ sở giáo dục mầm non hoạt động trở lại thì dịch Covid-19 ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) và các địa phương khác diễn biến phức tạp. Trong khi đó, số công nhân ở Nghệ An sang thị xã Nghi Sơn làm việc khoảng hơn 2.000 người, nguy cơ dịch bệnh ở Nghi Sơn rất cao.

Trong tình hình đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho thị xã Nghi Sơn và Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn nâng cấp độ phòng, chống dịch lên mức cao hơn các địa phương khác.

Ngày 2/7, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn xuất hiện ổ dịch ở xã Nghi Sơn, để siết chặt hoạt động trên địa bàn, UBND thị xã có công văn dừng tất cả các cơ sở mầm non, trung tâm tin học, ngoại ngữ. Như vậy, chỉ riêng thị xã Nghi Sơn, các cơ sở mầm non ngoài công lập phải tạm dừng hoạt  từ 11/5 đến ngày 13/9.

Kiểm tra việc hỗ trợ người lao động: Không thể chậm chạp, để dân chờ! - 2

Ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn báo cáo quá trình thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (Ảnh: BM).

"Cơ sở mầm non công lập cơ bản không sao nhưng cơ sở ngoài công lập thì rất khó khăn vì không có học sinh thì không có nguồn thu nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi để giữ chân người lao động. Hơn nữa, họ không biết khi nào hoạt động trở lại. Cơ sở mầm non ngoài công lập không trông trẻ thì không có thu nhập, người lao động không có tiền công", bà Vân nói.

Cũng theo Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, sau khi triển khai gói hỗ trợ, thị xã nhận được đề nghị hỗ trợ của 4 trường, gần 20 cơ sở tư thục với khoảng 130 lao động giáo viên và nhân viên. Nhiều tháng phải tạm dừng hoạt động, các cơ sở vẫn phải hỗ trợ, cầm cự cho giáo viên. Doanh nghiệp thực sự rất khó khăn nên tha thiết được hỗ trợ.

Phòng GD&ĐT thị xã đã tham mưu cho UBND thị xã Nghi Sơn có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin được quan tâm đặc biệt do đặc thù của thị xã. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD&ĐT trả lời UBND thị xã.

Kiểm tra việc hỗ trợ người lao động: Không thể chậm chạp, để dân chờ! - 3

Bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn cho biết vướng mắc đối tượng giáo viên mầm non ngoài công lập khi thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ (Ảnh: BM).

"Ngày 4/10, UBND tỉnh trả lời theo đề nghị của Sở GD&ĐT, chỉ xác nhận thời gian nghỉ từ 11/5- 31/5, từ tháng 6 trở đi coi như nghỉ hè. Tuy nhiên, từ 11-31/5 chỉ dừng học sớm, không cơ sở nào tạm dừng hợp đồng với người lao động mà tháng 7 và tháng 8 mới tạm dừng.

Doanh nghiệp cũng cho biết, nếu Nhà nước không hỗ trợ thì doanh nghiệp cũng phải đi vay để hỗ trợ. Chúng tôi tiếp tục làm tờ trình gửi Sở GD&ĐT đề nghị xem xét điều kiện đặc thù thị xã Nghi Sơn để kiến nghị với tỉnh cho giáo viên của thị xã hưởng hỗ trợ hay không nhưng đến nay chưa nhận được trả lời", Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn thông tin thêm. 

Mạnh dạn giải quyết chính sách hỗ trợ

Tại buổi làm việc với UBND thị xã Nghi Sơn vào chiều ngày 26/10, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hỗ trợ người lao động ảnh hưởng do dịch Covid-19, các địa phương phải chủ động, táo bạo, quyết liệt và khẩn trương.

Kiểm tra việc hỗ trợ người lao động: Không thể chậm chạp, để dân chờ! - 4

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: BM).

"Chúng ta phải mạnh dạn giải quyết. Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh mà cứ chờ thì không được. Tôi muốn biết các văn bản thị xã Nghi Sơn gửi lên tỉnh bao nhiêu ngày không có kết quả? Tất nhiên, cẩn thận là sẽ tốt nhưng chậm là không được. Chúng ta phải biết sốt ruột cho dân. Nếu cần, anh Tùng (ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, có mặt tại buổi làm việc-PV) đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh mở ngay hội nghị trực tuyến để trao đổi với tất cả chủ tịch các xã, phường", ông Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh.

Kiểm tra việc hỗ trợ người lao động: Không thể chậm chạp, để dân chờ! - 5

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hỗ trợ người lao động ảnh hưởng do dịch Covid-19, các địa phương phải chủ động, táo bạo, quyết liệt và khẩn trương (Ảnh: BM).

Liên quan đến đối tượng là giáo viên ngoài công lập trên địa bàn thị xã, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cho biết: "Ta phải hiểu đây là hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, nghỉ hè là học sinh nghỉ chứ giáo viên không nghỉ, họ vẫn phải làm việc, nghiên cứu tài liệu… Người lao động đang trong giao kết hợp đồng mà bị ngừng việc thì vẫn phải xem xét giải quyết. Chúng ta cứ mạnh dạn làm, nếu cần thị xã làm văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi sẽ xử lý, cho người lao động được hưởng hỗ trợ và sẽ làm ngay".

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng nêu nguyên tắc, với người lao động, không có khái niệm nghỉ hè. Những người tuân thủ theo luật lao động chỉ có nghỉ phép hàng năm, còn mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì phải được hưởng hỗ trợ theo quy định.