1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hơn 1 triệu lượt người lao động hưởng lợi từ chính sách vay vốn trả lương

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Trong 8 tháng triển khai, chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đã trợ giúp hơn 1 lượt doanh nghiệp và người lao động phát triển sản xuất và ổn định việc làm.

Hơn 1 triệu lượt người lao động hưởng lợi từ chính sách vay vốn trả lương - 1

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới sản xuất, việc làm của nhiều doanh nghiệp và người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có báo cáo về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Theo đó, đối tượng cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là người sử dụng lao động bị tác động bởi đại dịch dẫn đến có người lao động phải ngừng việc; người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg; người sử dụng lao động hoạt động trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn, gồm: Vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động theo thời gian trả thực tế, tối đa 3 tháng; lãi suất cho vay 0% và không phải thực hiện biện pháp đảm bảo tiền vay; thời hạn vay vốn tối đa 12 tháng.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin từ Ngân hàng chính sách xã hội, tính đến ngày 23/2, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả nước đã giải ngân 3.999 tỷ đồng, đạt 53,2% kinh phí cho vay dự kiến theo Nghị quyết 68, với 3.160 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1,024 triệu lượt người lao động.

Trong đó, nội dung vay vốn để trả lương ngừng việc đã giải ngân là 259 tỷ đồng, với 1,255 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 72.906 lượt người sử dụng lao động.

Với hoạt động vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người sử dụng lao động phải ngừng hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, cả nước đã giải ngân 3.513 tỷ đồng, chiếm 46,8% tổng số tiền cho vay, với 1.572 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 893.658 lượt người lao động.

Về vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của 5 lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, xuất khẩu lao động, tổng số tiền giải ngân là 227 tỷ đồng (chiếm 3,0% tổng số tiền cho vay) với 227 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 57.357 lượt người lao động. 

Một số tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề được tập trung nguồn vốn vay, như: Đồng Nai hơn 918 tỷ đồng, TPHCM hơn 570 tỷ đồng, Bình Dương trên 422 tỷ đồng, Hà Nội trên 272 tỷ đồng, Bắc Ninh trên 245 tỷ đồng…

Đáp ứng cơ bản yêu cầu thực tế

Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 nói chung và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương nói riêng đã thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trước những khó khăn của người sử dụng lao động và người lao động bị tác động, kịp thời hỗ trợ người lao động sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Nội dung cho vay đáp ứng được yêu cầu thực tế, có sự mở rộng đối tượng phù hợp với tình hình diễn biến tác động của dịch bệnh Covid-19 so với năm 2020; trình tự, thủ tục, hồ sơ cho vay đảm bảo đơn giản, linh hoạt, rút ngắn thời gian phê duyệt, giảm điều kiện cho vay vốn. Các doanh nghiệp được vay vốn đã phần nào giảm bớt khó khăn về tài chính, góp phần tích cực cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh, phục hồi việc làm và trả lương cho người lao động.

Trong công tác triển khai chính sách, các cấp, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc kịp thời, có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phát huy cao tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành liên quan; quá trình triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, được người lao động và doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, về cơ bản, kết quả cho vay đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, việc cho vay đối với doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất kinh doanh do thực hiện các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg và cho vay trả lương ngừng việc cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra.