1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Ngãi:

Hàng chục nghìn công nhân cần nhà ở xã hội

Quốc Triều

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 65 nghìn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân rất khan hiếm.

Anh Nguyễn Thanh (46 tuổi) đã làm việc tại khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã được 3 năm. Nhà xa nên anh Thanh phải thuê nhà trọ gần công ty.

"Phòng rất nhỏ nhưng ở gần khu công nghiệp nên giá đắt. Như phòng tôi 2,2 triệu đồng mỗi tháng. Giá thuê cao nên 4 anh em phải cùng ở một phòng để chia nhau tiền trọ", anh Thanh cho biết.

Là công nhân khu công nghiệp Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), chị Nguyễn Thị Hiền có mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Với thu nhập này, chị Hiền phải cố gắng cắt giảm nhiều khoản chi tiêu để có dư lo cho gia đình. Do đó, chị cùng một người bạn thuê chung một phòng trọ rộng 16m2 với giá 1,2 triệu đồng mỗi tháng.

"Lương mỗi tháng tầm 8 triệu đồng trong khi có rất nhiều khoản phải chi tiêu. Do vậy rất nhiều công nhân phải thuê chung phòng trọ để ở. Phòng chật chội, rất bất tiện trong sinh hoạt nhưng không còn cách nào khác", chị Hiền chia sẻ.

Hàng chục nghìn công nhân cần nhà ở xã hội  - 1

Phần lớn công nhân phải thuê chung nhà trọ với diện tích nhỏ để tiết kiệm chi phí.

Xã Tịnh Phong hiện có khu công nghiệp Tịnh Phong và VSIP Quảng Ngãi với trên 35 nghìn lao động. Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn chưa có nhà ở xã hội cho công nhân. Những công nhân ở xa đều chọn thuê trọ trong các khu dân cư gần chỗ làm.

Theo thống kê, tại xã Tịnh Phong hiện có 295 nhà trọ với gần 2 nghìn phòng trọ. Tuy nhiên con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người lao động thuê. Đa phần công nhân vẫn phải sinh sống trong các khu trọ thiếu thốn nhiều điều kiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Thậm chí, có một số khu nhà trọ phức tạp về an ninh, trật tự.

Theo Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Phạm Thái Dương, tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi hiện có 241 dự án của 201 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với gần 65 nghìn lao động. Trong đó, chỉ có một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhà ở cho công nhân với trên 1.600 căn hộ. Còn lại, hầu hết công nhân ở các doanh nghiệp khác phải tự thuê nhà ở với diện tích nhỏ hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn.

Hàng chục nghìn công nhân cần nhà ở xã hội  - 2

Nhà ở xã hội khan hiếm nên phần lớn công nhân phải thuê phòng trọ để ở.

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh xây dựng 11.143 căn nhà, trong đó có 500 căn nhà ở xã hội. Đến năm 2030 là 7.600 căn nhà ở xã hội. Nhưng trên thực tế, số lượng nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Vào năm 2019, Quảng Ngãi đã chấp thuận việc giao 2ha đất ở xã Tịnh Phong cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để xây nhà ở cho công nhân. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 giúp người lao động có chỗ ở đảm bảo. Tuy nhiên, vì một số vướng mắc nên dự án vẫn chưa thực hiện được.

Hàng chục nghìn công nhân cần nhà ở xã hội  - 3

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 65 nghìn công nhân nhưng số nhà ở xã hội quá khan hiếm.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở xã hội cho công nhân, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp và khu kinh tế Dung Quất. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp phù hợp yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cũng như xem xét thu hồi các dự án nhà ở xã hội không hiệu quả.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng tập trung kêu gọi các doanh nghiệp có mong muốn tham gia đầu tư ở lĩnh vực này, kể cả các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tái tạo sức lao động cho người lao động và phù hợp với quy hoạch tổng thể, dài hạn. Đồng thời, đề xuất các quy định có tính ràng buộc, cũng như có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, các chủ đầu tư quan tâm, bố trí nguồn lực để xây dựng nhà ở cho công nhân.