1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hai đối tượng được nâng lương sớm, không cần chờ tăng lương cơ sở

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Trước khi lương cơ sở được điều chỉnh, các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức vẫn có thể được nâng lương sớm, theo quy định của Bộ Nội vụ.

Công chức, viên chức mong mỏi tăng lương

Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Trong báo cáo của Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều ngày 20/10/2022 nêu rõ: Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải hoàn thiện và phát triển hiệu quả chính sách về tiền lương, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1/7/2023.

Đa số ý kiến đã nhất trí tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%) áp dụng từ 1/7/2023 và tăng chi trả cho các chính sách khác gắn với lương cơ sở như: Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do Ngân sách Nhà nước đảm bảo, trợ cấp ưu đãi người có công…

Hai đối tượng được nâng lương sớm, không cần chờ tăng lương cơ sở - 1

Việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2023 (Ảnh: Mạnh Quân).

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020, dự kiến năm 2023 diễn ra ngày 22/10/2022, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đề xuất tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, tức áp dụng ngay từ ngày 1/1/2023 để kịp thời hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức khó khăn nhất là khi các mặt hàng đang không ngừng tăng mạnh như hiện nay.

Đến chiều 11/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với nội dung về tăng lương.

Theo đó, từ ngày 1/7/2023, Việt Nam thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Đồng thời tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

2 đối tượng được nâng lương sớm

Trước khi được tăng lương cơ sở, một số đối tượng vẫn có thể được nâng lương sớm theo quy định của Bộ Nội vụ. 

Trước hết, người lập thành tích xuất sắc được tăng lương trước hạn. Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BNV, điều kiện tăng lương trước hạn do lập thành tích xuất sắc bao gồm:

- Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

- Lập thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản.

- Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch; tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên.

Thứ hai là trường hợp được tăng lương trước hạn khi có thông báo nghỉ hưu

Điều kiện để được tăng lương khi có thông báo nghỉ hưu được nêu tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 08/2013 của Bộ Nội vụ như sau:

- Đã có thông báo nghỉ hưu.

- Trong thời gian giữ bậc đạt đủ 2 tiêu chuẩn:

Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

- Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch.

- Kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên.