DMagazine

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân"

(Dân trí) - 2021 là một năm đầy lo toan, bận rộn với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Điều đọng lại là ấn tượng về tinh thần trách nhiệm, về lòng nhân ái, về nghĩa đồng bào.

Năm 2021 khép lại với những thời khắc lịch sử chưa từng có tiền lệ về đại dịch Covid-19. Một năm đầy lo toan, bận rộn với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, điều đọng lại là ấn tượng về tinh thần trách nhiệm, về lòng nhân ái, về nghĩa đồng bào, "làm tốt an sinh xã hội là để an dân". Bộ trưởng chia sẻ về những cảm nhận ấy với Dân trí trong một chiều cuối năm…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 3

 + Có lẽ chưa khi nào "ghế" Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lại "nóng" như năm vừa qua. Đại dịch Covid-19 trong 2 lần bùng phát liên tiếp, kéo dài từ trước Tết Tân Sửu (đợt dịch thứ hai, tâm chấn là Hải Dương) rồi tấn công TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, tới giờ vẫn chưa dứt với nhiều hệ lụy, gây áp lực lớn với cả 2 lĩnh vực quản lý chủ chốt của ngành là an sinh và việc làm. Bộ trưởng hẳn là có một năm như ngồi trên lửa?

2021 thực sự là một năm khó khăn với cả nước ta. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), làn sóng đại dịch Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, tình trạng thâm hụt việc làm và bất bình đẳng đã khiến sinh kế của hàng trăm triệu người lao động bị đảo lộn, hầu hết các quốc gia đều phải gánh chịu mức sụt giảm việc làm và thu nhập ở mức "nghiêm trọng, làm gia tăng bất bình đẳng hiện hữu và tạo nguy cơ để lại "vết sẹo" lâu dài đối với người lao động và doanh nghiệp".

Ở Việt Nam, đợt dịch thứ 4, từ 27/4, kéo dài tới nay, diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. Nhiều con số thống kê cho thấy mức độ "tàn phá" khốc liệt của đại dịch. Nửa đầu năm 2021, cả nước đã có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2020, đến quý III, con số này tăng lên 28,2 triệu người.

Có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập. Số người có việc làm giảm gần 2,7 triệu. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, cao nhất 10 năm qua. Tại khu vực thành thị là các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, nơi sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, tỷ lệ người thất nghiệp đã lên tới mức kỷ lục của khu vực thành thị là 5,54%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 5

Qua một năm căng thẳng như vậy, tất nhiên, không chỉ Bộ trưởng - người đứng đầu Bộ mà toàn ngành thật sự vất vả, áp lực rất lớn. Khi cả nước phải áp dụng các biện pháp mạnh để chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, kéo dài, yêu cầu lớn nhất là không để ai bị đói ăn thiếu mặc, đặt gánh nặng với việc đảm bảo an sinh xã hội. Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải phản ứng nhanh, cùng lúc hành động để đáp ứng yêu cầu chăm lo đời sống cho hàng triệu người.

Với chức năng chăm lo lĩnh vực an sinh xã hội thiết kế nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an toàn cho người dân thì phải bám sát tình hình để kịp thời tham mưu các cấp lãnh đạo về chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh kịp thời, đòi hỏi toàn hệ thống của ngành, từ Trung ương tới cấp cơ sở đều phải lăn xả, bám cơ sở, triển khai thực hiện triệt để, nhanh nhất có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về ý nghĩa những chính sách an sinh năm 2021

+ Trong năm biến động lịch sử này, 2 nhóm chính sách an sinh lớn đã được triển khai hiệu quả, từ đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 và gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116. Bộ trưởng đánh giá sao về hiệu quả các gói hỗ trợ cũng như các chính sách an sinh xã hội nói chung đã đề xuất, áp dụng cho năm nay?

Đến cuối năm 2021, tổng kinh phí phê duyệt để thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ là gần 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ được cho gần 27 triệu lượt đối tượng thụ hưởng theo 12 nhóm chính sách cụ thể. Với gói 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, ngay trong tuần đầu tháng 10, khi bắt đầu thực hiện chính sách, ngành đã giải quyết cơ bản chính sách giảm đóng Quỹ cho người sử dụng lao động, với tổng mức tiền khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương với gần 364.000 đơn vị, sử dụng 9,68 triệu lao động. Về hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động, ngành bảo hiểm cũng đã cơ bản giải ngân xong tổng số 30.000 tỷ đồng, giải quyết cho 9,41 triệu người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 7

Có thể nói, việc hỗ trợ người dân cơ bản được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách đã ban hành trước, Bộ đã đề xuất Chính phủ giảm tối đa các điều kiện, thủ tục, rút ngắn về thời gian hỗ trợ, tạo điều kiện để người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Đặc biệt, đối với nhóm lao động tự do và đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, Chính phủ quy định mức sàn tối thiểu và giao các địa phương chủ động quy định tiêu chí, tạo sự linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của địa phương, do vậy đã hỗ trợ được số lượng lớn các đối tượng thụ hưởng. Nhiều địa phương cũng mở rộng, có những chính sách hỗ trợ thêm cho nhiều đối tượng ngoài gói 26.0000 tỷ như TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Khánh Hòa…

Gói 38.000 tỷ đồng là chính sách lần đầu thực hiện, chưa có tiền lệ, qua triển khai đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của đối tượng và dư luận xã hội, đem lại hiệu quả thực sự thiết thực. Thủ tục đơn giản, thuận tiện, người lao động và người sử dụng lao động nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, chủ yếu hỗ trợ qua tài khoản và trên cơ sở dữ liệu đã có.

Ý nghĩa lớn nhất, việc thực hiện các chính sách là góp phần hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động khắc phục những khó khăn do tác động đại dịch, qua đó cũng đã giúp khơi dậy, huy động được sự vào cuộc của các địa phương, lực lượng cũng như sức mạnh của toàn xã hội, góp phần đảm bảo an sinh, phát huy tinh thần tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Và như tôi từng báo cáo trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước, cán bộ toàn ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực hết sức, làm ngày, làm đêm để người dân sớm được thụ hưởng chính sách, để san sẻ bớt được phần nào những khó khăn, vất vả với mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Sự hài lòng của người dân, người lao động, doanh nghiệp chính là sự cổ vũ động viên cho cán bộ toàn ngành LĐ-TB&XH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 9

+ Nói vậy nhưng Bộ trưởng cũng từng phải sốt ruột, đốc thúc vì những nơi, việc hỗ trợ người dân vẫn ì ạch, chậm trễ. Thậm chí, Bộ trưởng còn từng phải thúc "Đừng viện dẫn thủ tục nữa, làm đi, tôi chịu trách nhiệm"; "Hết giãn cách rồi, làm đi cho người dân được nhờ"…?

Cán bộ toàn ngành, nhìn chung đã có một năm nỗ lực hết sức mình, làm việc trách nhiệm, tận tụy. Tôi biết rất nhiều anh chị em nhiều tuần, nhiều tháng liền không về nhà, Thứ bảy, Chủ nhật nào cũng làm việc. Bộ phận tham mưu, giúp việc, các cục, vụ chuyên môn của Bộ từ khi bắt tay thiết kế cho đến khi ban hành chính sách không có ngày nghỉ. Anh chị em đa phần đều rời trụ sở Bộ khi đồng hồ đã chỉ 23-24h đêm.

Lãnh đạo và cán bộ ngành LĐ-TB&XH của TPHCM và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã hàng ngày, hàng đêm lăn xả vào cuộc, đến từng ngõ, gõ từng nhà để trao tiền hỗ trợ, nhu yếu phẩm đến người dân. Hay như Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền, vị nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, suốt 70 ngày đêm bám trụ ở cơ quan, ở sân vận động, ở trạm trung chuyển, chốt kiểm dịch để tổ chức mấy chục chuyến xe đón hơn 16.000 người dân tỉnh này từ TPHCM, Bình Dương về quê, chúng tôi gọi đó là "nghĩa đồng bào". Những cán bộ như vậy đáng quý, đáng trân trọng lắm chứ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 11
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 12

Đôi khi thấy dân phàn nàn, việc chậm "trôi" cũng "nổi cáu", nhưng chúng tôi vẫn chia sẻ và động viên, khích lệ anh, chị em trong ngành với tinh thần "Người dân còn đói thì cán bộ đừng nghĩ đến việc về nhà!". Theo đó, hầu hết cán bộ đều rất quán triệt, triển khai xây dựng chính sách kịp thời. Thực ra, toàn ngành đã cố gắng hết mức để chính sách an sinh, hỗ trợ người dân lúc cấp bách thực sự đi vào cuộc sống, chỉ những việc vượt luật thì để lại xin ý kiến cấp có thẩm quyền, còn vướng mắc nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình sửa ngay.

Các chính sách theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, tôi khẳng định không thể nào thông thoáng hơn, như tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thậm chí không phải kê khai gì, sau khi người sử dụng lao động lập danh sách đối soát với cơ quan bảo hiểm xã hội là tiền chuyển về tài khoản cá nhân. Nghị quyết 68 cũng chỉ phát hiện 2 vướng mắc và đã sửa ngay bằng Nghị quyết 126.

Tuy nhiên, đúng là việc triển khai các gói hỗ trợ có nơi còn cứng nhắc. Có một địa phương, chỉ vấn đề chi tiền ăn hỗ trợ F0 và trẻ em phải cách ly mà gửi công văn về Bộ, trình bày 3 trang giấy về vướng mắc. Tôi phải nói "các đồng chí cứ làm đi, tiền ăn của F0 và trẻ em mà không cho quyết toán thì tôi chịu trách nhiệm". Từ đó địa phương mới cho thanh toán. Phải làm sao để đừng tái diễn cảnh người dân phải ca thán "tiền hỗ trợ… lên tivi mà nhận". Điều đó rất buồn với người làm chính sách.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 13

+ Những vấn đề "nóng" nhất của ngành năm 2021, như Bộ trưởng đề cập ở trên, thực tế, đều đã được chọn cho phiên chất vấn trước Quốc hội giữa tháng 11 vừa qua. Con số 1,3 triệu người trong làn sóng người lao động rời thành phố về quê tránh dịch được cảnh báo là "cuộc di chuyển kép", cho thấy thực trạng một bộ phận lao động chân tay đơn thuần bị đào thải trên thị trường lao động. Khá bất ngờ khi Bộ trưởng lại nhìn nhận, ngoài thực tế thách thức đó, xu hướng dịch chuyển cũng là cơ hội tích cực cho việc cơ cấu lại, xây dựng thị trường hiệu quả hơn?

Đúng là lượng người lao động trở về quê trong đợt dịch thứ tư vừa qua tương đối lớn, khoảng 1,3 triệu người từ TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về quê, chiếm khoảng 60% lượng người di chuyển. Hình ảnh những đoàn người nối nhau về quê thực sự rất day dứt, với bất cứ cơ quan quản lý, người đứng đầu nào. Với mỗi người lao động, vì mưu sinh mới phải xa quê, xa gia đình bố mẹ, người thân…

Với ngành LĐ-TB&XH, ngay từ đầu tháng 5/2021, ở mọi diễn đàn, hội nghị và trên các phương tiện thông tin, tôi đã thường xuyên và liên tục cảnh báo các doanh nghiệp về "khả năng đứt gãy nguồn nhân lực, lao động sau khi kiểm soát được dịch", cần quan tâm chăm lo phúc lợi, giữ chân người lao động, nếu không sẽ không đủ nhân lực đề sản xuất. Và thật mừng, đa phần các đơn vị, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai các chỉ đạo của Trung ương, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất dù khó khăn vẫn chi trả một phần lương, phúc lợi xã hội để giữ chân người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 15

Còn về thị trường lao động, mức độ phục hồi, tôi cho là khả quan. Nhìn chung, người lao động trong khu vực FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất cơ bản ít di chuyển, rời bỏ công việc nên việc trở lại nhà máy khi sản xuất khôi phục khá nhanh chóng. Đến tháng 10/2021, các khu công nghiệp trọng điểm phía nam, lực lượng lao động đã phục hồi khoảng 75% so với trước dịch, có địa phương trên 90%. TPHCM và 8 tỉnh, thành có đông lao động tại miền Nam, miền Trung đều nhận định mức độ thiếu lao động sau "bình thường mới" không trầm trọng. Đến thời điểm hết tháng 12/2021, thị trường đã cơ bản phục hồi. Đây là điểm ít người nghĩ đến.

Đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường làm việc an toàn. Qua đây, có thể thúc đẩy việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống. Ngoài ra, hướng phát triển ổn định, bền vững cho thị trường lao động sau đại dịch và cơ cấu lại nền kinh tế có thể thấy, trọng yếu là vấn đề đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, cơ cấu lại lĩnh vực, ngành nghề, hạn chế tập trung những lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động tại những trung tâm, đô thị lớn, trọng điểm như TPHCM.

Qua đại dịch, có thể thấy thời gian tới, 30% công việc yêu cầu kỹ năng lao động phải nâng lên. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 40-45% lao động có chứng chỉ, bằng cấp đào tạo, phải tập trung vào việc dạy nghề ngay tại doanh nghiệp sử dụng lao động. Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất và được Trung ương đồng ý chủ trương cho nâng cấp 80 cơ sở đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này. Đây sẽ là đòn bẩy để hệ thống đào tạo nghề có bước tiến nổi bật so với hiện tại.

+ Về hình ảnh day dứt, như Bộ trưởng nói, với cảnh dòng người rời thành phố về quê, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, các cơ quan quản lý có cam kết là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang rất khó lường? Cần làm gì để cảnh đó không tái diễn, thưa Bộ trưởng?

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội có yêu cầu Chính phủ và các địa phương phải xác định rõ nguyên nhân người dân chấp nhận chạy mô tô, đạp xe, thậm chí đi bộ từ Nam ra Bắc để về quê, trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân trong việc này. Dưới góc độ quản lý ngành về lao động, chúng tôi nhận định, lý do tạm thời di chuyển về quê với hầu hết người dân do thực hiện giãn cách trong thời gian dài gây áp lực về mọi mặt cho người lao động và gia đình. Cùng Thủ tướng thị sát tình hình tại TPHCM, Bình Dương… giai đoạn dịch cao điểm, tôi đã thấy công nhân, người lao động tự do trong những khu nhà trọ tồi tàn, cảnh sống bí bức, ngột ngạt trong suốt nhiều tháng các địa phương phải thực hiện giãn cách kéo dài. Có những căn phòng trọ chỉ chục mét vuông, 5-7 người hay cả một gia đình ở chung, bình thường luân phiên làm ca còn đỡ, khi dừng việc, bị phong tỏa, tất cả chỉ có thể ở trong phòng chờ qua ngày.

Công việc bị dừng, thu nhập không có, đời sống khó khăn và tâm lý căng thẳng, áp lực lớn nên người dân mong mỏi về quê để có cảm giác yên bình, gần gũi giữa người thân, gia đình, đây cũng là tập quán văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam, mỗi khi có biến cố lớn trong cuộc đời, ai cũng hướng về cội nguồn. Đồng thời, qua đại dịch này, chúng ta phải thấy rõ bài toán tổng thể của quy hoạch, phát triển lâu dài, trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cần có tính toán đảm bảo từ thu nhập, phúc lợi, nhất là nhà ở, trường học, nhà trẻ cho con em họ… rất nhiều vấn đề cần giải quyết với sự vào cuộc từ các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố nữa.

Bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân sàn an sinh tối thiểu trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, phải tiếp tục các giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân. Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc.

+ Xin cảm ơn Bộ trưởng và kính chúc Bộ trưởng một năm mới an khang, thịnh vượng!

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chăm lo tốt an sinh xã hội là để an dân - 17

Nội dung: Thái Anh 

Ảnh: Mạnh Quân - Xuân Hinh - Nhật Bắc - Hữu Khoa - Lê Hải Sơn 

Thiết kế: Khương Hiền