1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm tai nạn lao động - "phao cứu sinh" khi công nhân gặp nạn

Thanh Tùng

(Dân trí) - Không chỉ là "điểm tựa", bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn là "phao cứu sinh" đối với người lao động.

Bảo hiểm là "phao cứu sinh" khi tôi gặp nạn

Anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1988, quê huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) học hết cấp 3 rồi rời quê hương vào Bình Dương lập nghiệp. Anh bắt đầu cuộc sống nơi đất khách, quê người với đủ thứ nghề, từ xe ôm, bốc vác đến phụ hồ...

Cuối 2016, nhờ một người bạn giới thiệu, anh xin được một công việc ổn định tại công ty sản xuất giày da. Sau 4 năm làm việc tại công ty, anh Hưng ổn định cuộc sống và được tham gia đóng bảo hiểm xã hội thường xuyên.

Bảo hiểm tai nạn lao động - phao cứu sinh khi công nhân gặp nạn - 1

Trên đường đi làm, anh Hưng không may bị tai nạn giao thông. Nhờ có Bảo hiểm TNLĐ&BNN, anh đã có tiền để phẫu thuật.

Thế nhưng, khi công việc đang dần ổn định thì tai họa bất ngờ ập đến. Cuối 2020, trong khi đi làm, anh Hưng bị tai nạn giao thông, gãy đốt sống cổ, nằm liệt giường. Hoàn cảnh khó khăn, ngày anh Hưng bị nạn, gia đình phải vất vả vay mượn khắp nơi để chạy chữa. May mắn, trong suốt 4 năm làm việc tại công ty, anh Hưng được đóng Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ&BNN). Sau cuộc phẫu thuật anh được chi trả bảo hiểm một lần với số tiền hơn 40 triệu đồng.

"Nếu không có tiền bảo hiểm thì tôi không biết bệnh tình của mình rồi sẽ đi về đâu. Gia đình vốn khó khăn, ngày gặp nạn bố mẹ đi vay mượn khắp nơi nhưng chẳng được là bao. Thời điểm đó, bảo hiểm TNLĐ&BNN như phao cứu sinh với tôi trong lúc nguy nan", anh Hưng chia sẻ.

Cũng như anh Hưng, chị Lê Thị Hoa đã có 8 năm làm công nhân tại Công ty TNHH Sakurai ở thành phố Thanh Hóa. Năm 2021, trong lúc bốc hàng tại nhà kho, chị Hoa bị trượt chân, gãy xương đùi.

Bảo hiểm tai nạn lao động - phao cứu sinh khi công nhân gặp nạn - 2

Đối với công nhân, bảo hiểm TNLĐ&BNN đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp họ yên tâm lao động, sản xuất (Ảnh: CTV).

Qua giám định, chị Hoa bị tổn thương 41% sức khỏe. Sau khi phẫu thuật xong, chị Hoa được công ty tạo điều kiện tiếp tục ở lại, làm công việc nhẹ nhàng hơn đồng thời hoàn tất các thủ tục để chị hưởng Bảo hiểm TNLĐ&BNN.

"Hiện tôi đã hồi phục và đi làm bình thường, sau lần gặp nạn, tôi được công ty làm các thủ tục hồ sơ để hưởng Bảo hiểm TNLĐ&BNN với số tiền mỗi tháng 830.000 đồng. Nhờ đó, ngoài lương cơ bản, tôi cũng có thêm một khoản tiền để tiết kiệm và chăm lo đời sống hàng ngày. Tôi thấy việc đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN là hết sức quan trọng đối với người lao động. Đây là quyền lợi rất tốt đối với chúng tôi", chị Hoa chia sẻ.

Hàng nghìn công nhân nhận tiền bảo hiểm mỗi năm

Đối với những người lao động, ngoài làm việc và hưởng lương thường xuyên thì việc được đóng bảo hiểm, trong đó có TNLĐ&BNN là điểm tựa quan trọng, để phòng những biến cố, trường hợp không may gặp nạn.

Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa (Sở LĐ-TB&XH), trong năm 2021, toàn tỉnh này xảy ra 31 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 35 người gặp nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 30 vụ, số vụ có hai người bị nạn trở lên là 2 vụ, số người bị thương nặng là 5 người.

Nguyên nhân của các vụ TNLĐ hầu hết do ý thức đảm bảo an toàn lao động của các doanh nghiệp và các công nhân chưa cao.

Để giảm thiểu TNLĐ và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hằng năm, các cấp, ngành, người sử dụng lao động tại Thanh Hóa đã thường xuyên tập trung triển khai các hoạt động về phòng ngừa TNLĐ&BNN theo quy định trong Luật An toàn vệ sinh lao động.

Bảo hiểm tai nạn lao động - phao cứu sinh khi công nhân gặp nạn - 3

Những "phu đá" cheo leo trên vách núi luôn đối diện với hiểm nguy.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH cùng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cũng đã tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người lao động trên địa bàn về quỹ Bảo hiểm TNLĐ&BNN để người lao động nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động; chủ động và tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình…

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2021, quỹ bảo hiểm đã chi trợ cấp hàng tháng cho 2.269 trường hợp với số tiền hơn 26 tỷ đồng; trợ cấp phục vụ cho 45 người với số tiền hơn 758 triệu đồng; chi bảo hiểm một lần cho 46 người với số tiền hơn 1 tỷ đồng; trợ cấp chết do tai nạn 29 người với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; giám định thương tật, giám định y khoa cho 107 người với số tiền hơn 123 triệu đồng.

Ngoài ra, từ nguồn ngân sách nhà nước, trong năm 2021, bảo hiểm xã hội Thanh Hóa cũng đã thực hiện chi trả cho 411 người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trước năm 1995 với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng.